“(Thế kỉ XVIII) … đánh dấu một bước ngoặt lớn của lịch sử văn học: phong trào nông dân khởi nghĩa bùng nổ dữ dội, chế độ phong kiến bị lay chuyển tận gốc, ý thức hệ phong kiến khủng hoảng sâu sắc, vấn đề quyền sống con người đặt ra gay gắt.”
(Ngữ văn 10 – nâng cao, Tập hai, t.186)
Hãy chứng minh nhận định trên.
BÀI LÀM
Xã hội phong kiến Việt Nam từ giữa thế kỉ XVIII rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Các tập đoàn phong kiến Lê – Mạc, Trịnh – Nguyễn gây ra những cuộc chiến tranh liên miên, làm cho nhân dân khổ sở. Trước thực trạng đó, thế kỉ XVIII “đánh dấu một bước ngoặt lớn của lịch sử văn học: phong trào nông dân nổi dậy khởi nghĩa bùng nổ dữ dội, chế độ phong kiến khủng hoảng sâu sắc, vấn đề quyền sống con người đặt ra gay gắt”.
Ta hãy chứng minh nhận định trên.
Trước hết, chúng ta thấy rõ văn học từ thế kỉXVIII về sau đã lên án cái xã hội phong kiến suy vi. Lịch sử ghi nhận từ thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến nước ta bắt đầu suy yếu. Các riêng mối phong kiến suy sụp, tư tưởng Nho giáo bị phá sản, chủ nghĩa tôn quân sụp đổ. Trong Hoàng Lê nhất thống chí, dù tác giả (họ Ngô Thì) là bầy tôi của nhà Lê, vẫn phải hạ bút phê phán Lê Chiêu Thống như sau:
“Nước Nam ta từ khi có đế vương đến giờ, không thấy có vua nào hèn hạ đến thế!”.
Xã hội phong kiến bộc lộ những mâu thuẫn gay gắt giữa các tập đoàn phong kiến thống trị với nhân dân lao động mà đại bộ phận là nông dân. Bọn phong kiến thống trị Trịnh – Nguyễn đã gây ra những cuộc chiến tranh phi nghĩa làm cho nhân dân vô cùng khốn khổ.
Văn học trong giai đoạn này lên án xã hội phong kiến, qua lời than thở của người chinh phụ oán ghét chiến tranh trong Chinh phụ ngâm. Ta còn thấy các tác giả như Phạm Đình Hổ, Phạm Nguyễn Du đã ghi nhận những cảnh mất mùa liên tiếp, nhân dân đói khổ, người chết người bỏ xứ mà đi trong các tác phẩm của mình. Nguyễn Du không dứt ngậm ngùi thương cảm kiếp sống con người trong Văn chiêu hồn, đặc biệt là cuộc sống bị áp bức của người dân lương thiện được phản ánh trong Truyện Kiều.
Chiến tranh liên miên, xã hội loạn lạc, nhân dân điêu linh cùng khốn là nguyên nhân nổ ra những cuộc khởi nghĩa của nông dân. Các cuộc khởi nghĩa này ngày càng lan rộng khắp nơi mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn, được ghi lại trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái.
Chế độ vua quan thời bấy giờ tù túng như một cái lồng, mà người ta muốn phá tan cái lồng đó để bay bổng tận trời cao.
Nguyễn Hữu cầu mơ được:
Bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán
Phá vòng vây bạn với kim ô.
Nguyễn Du cũng đã phác họa hình ảnh Từ Hải muốn làm con người đội trời đạp đất, trút sạch mọi thứ ràng buộc, áp bức trong xã hội đó:
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
(Truyện Kiều)
Nếu Nguyễn Công Trứ khinh bỉ bọn bất tài ví như cây vông ruột xốp vô dụng thì Cao Bá Quất tả nỗi lòng phẫn uất trước cuộc đời mà quyết xoay bạch ốc lại lâu đài (Tài tủ đa cùng phủ), thể hiện hoài bão làm trai:
Khách nam nhi chẳng vì thế thái
Đem thân ra đỡ lấy cương thường
Ngồi nhìn lang sói nghênh ngang
Bạc đầu áo gấm về làng bôi nhơ
Lại không hay mực hòa đầu thuẫn
Tờ hịch bay yên trấn bốn phương …
(Tiễn Trúc Khẽ ra nhậm chức tại phủ Thường Tín)
Bên cạnh đó, văn học giai đoạn này còn đặt ra những vấn đề về quyền sống của con người, chống lại những thế lực đen tối vùi dập người lương thiện. Truyện Kiều là một bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội phong kiến mục nát, ám chỉ xã hội thời Nguyễn Du. Đó là một xã hội đầy rẫy bọn quan lại tham ô, bất tài, bọn buôn người, bọn lưu manh và thế lực đen tối của đồng tiến. Cuộc đời Thúy Kiều là một điển hình cho người lương thiện bị chà đạp bởi cái xã hội xấu xa mục nát ấy.
Từ đó văn học nói lên ước mơ tự do, công lí, chính nghĩa, chống lại những ràng buộc phong kiến. Hành động khởi binh chống lại triều đình của Từ Hải, hành động báo ân, báo oán của Thúy Kiều thể hiện những ước mơ đó của nhân dân.
Ngoài việc đấu tranh phản kháng quyền lực bọn thống trị thối nát, văn học còn đấu tranh chống lại những uy quyền khác về mặt tinh thần, tình cảm trong khuôn khổ phong kiến, trên lập trường nhân sinh. Những ràng buộc khắt khe trong tình yêu và hôn nhân, trong hạnh phúc lứa đôi, các thành kiến coi khinh phụ nữ đều bị tấn công, đả kích. Thơ Hồ Xuân Hương phản kháng nam quyền, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều đã bênh vực quyền sống hạnh phúc của người phụ nữ…
Với số lượng sáng tác đa dạng và phong phú, văn học từ thế kỉ XVIII về sau đã phản ánh nhiều mặt trong xã hội phong kiến suy tàn, có nội dung phê phán hiện thực, đồng thời thể hiện tinh thần nhân đạo, chống lại những ràng buộc của chế độ phong kiến. Do đó văn học giai đoạn này vừa có giá trị phản ánh lịch sử – xã hội, vừa có giá trị nhân văn sâu sắc.
Leave a Reply