Có người yêu thích văn chương, có kẻ say mê khoa học. Hãy tìm nội dung cho cuộc tranh luận giữa hai người ấy.
BÀI LÀM
Khoa học (tự nhiên, thuần lí) và văn chương vốn là hai ngành có nhiều khác biệt, dù cùng nhục vụ cho loài người. Và con người cũng có những khuynh hướng, những sự yêu thích khác nhau. Có người yêu thích văn chương, ca ngợi những sáng tác thơ văn tuyệt diệu làm rung động hồn người. Có kẻ say mê khoa học, tôn vinh những phát minh khoa học quan trọng đã từng đưa nhân loại lên những chặng đường văn minh ngày càng cao.
Trước hết, ta hãy thử nêu lập luận của kẻ say mê khoa học. Họ hết lời ca tụng các môn khoa học tự nhiên, thuần lí, khoa học thực nghiệm. Họ chứng minh rằng những phát minh khoa học là cơ sở cho mọi sáng chế kĩ thuật, hình thành cuộc sống văn minh của chúng ta ngày nay.
Trong ba thế kỉ qua, khoa học đạt những thành tựu rực rỡ với những phát minh có tính quyết định như: máy hơi nước vào thế kỉ XVIII, máy nổ cuối thế kỉ XIX, máy điện dynamo năm 1869, những dạng năng lượng từ than đá, dầu hỏa, thác nước đến hạt nhân…. Tất cả đã đẩy mạnh mọi lĩnh vực sản xuất công, nông nghiệp, giao thông vận tải, không gian vũ trụ, kể cả lĩnh vực y tế, văn hóa giáo dục…
Một thí dụ nhỏ là sách vở. Nhờ kĩ thuật in ấn, con người mới ghi chép và lưu truyền được những tri thức nhân loại tích lũy từ đời này sang đời khác và ngày càng bổ sung kiến thức mới. Ta có thể nói, nhân loại như “một con người sống mãi và ngày càng mở rộng kiến thức”. Hàng triệu quyển sách trong các thư viện giúp chúng ta tiếp cận những kiến thức khoa học và đời sống của bất cứ thời đại nào trong lịch sử nhân loại.
Hơn nữa, con người hôm nay cần có những hiểu biết nhất định về khoa học kĩ thuật, chẳng hạn họ phải biết sử dụng một số phương tiện di chuyển, các dụng cụ, thiết bị kĩ thuật thông thường trong giao tiếp công cộng mới có thể sống với cộng đồng, sinh hoạt trong xã hội hôm nay.
Đặc biệt là trong lao động. Người nông dân nhất thiết phải biết cách sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu rầy, thậm chí lái được máy cày, máy kéo. Người công nhân phải được đào tạo để có thể đứng máy trong dây chuyền sản xuất. Một viên chức hành chính phải biết sử dụng thành thạo các loại máy văn phòng…
Tóm lại, khoa học cổ cách nhìn khách quan, phương thức thực nghiệm hiệu quả và chân xác. Công cuộc nghiên cứu khoa học ngày càng phong phú, linh hoạt, nhằm đáp ứng những yêu cầu hiểu biết của con người, để bắt tự nhiên phục vụ nhân loại ngày càng nhiều hơn. Đó là hướng phát triển rực rỡ của khoa học ngày nay.
Trái với mọi lợi ích của khoa học vừa nêu, văn chương không mang lại điều gì có ích cho sự tiến bộ của xã hội loài người. Chính Pla-tông đã đòi đuổi đánh thi sĩ ra khỏi nền cộng hòa của ông. Văn chương làm cho ta lẫn lộn hư thực, mơ mộng viển vông:
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
(Xuân Diệu)
Văn chương chỉ để tiêu khiển suông, đôi khi lại có hại. Bao nhiêu thanh niên trước Cách mạng tháng Tám 1945 đã ngân nga đốt điếu thuốc để chiêu hồn quá khứ, hay sầu tư yêu là chết ở trong lòng một ít. Họ đắm chìm trong những lạc thú đau thương, ủy mịgợi ra từ văn chương, biểu hiện một sự yếu hèn, có khi sa đọa. Trong khi đó, xã hội hôm nay cần những con người đầy nhiệt tình, nắm vững kĩ thuật, biết xẻ núi ngăn sông, những nhà khoa học tìm cách lên Mặt Trăng, lên Sao Hỏa, những nhà y học tìm thuốc chữa những căn bệnh nan y cho nhân loại.
Tiếp theo đây, ta hãy thử nêu lập luận của những người yêu thích văn chương. Trước tiên, văn chương hình thành và phát triển tình cảm đạo đức, hướng tâm hồn con người về chân, thiện, mĩ. Văn chương truyền bá tư tưởng cao đẹp của nhân loại, giáo dục phẩm chất đạo đức, thức tỉnh ta những cảm xúc vị tha, nhân ái, giúp ta vươn lên mãi trong thế giới tâm hồn cao thượng.
Văn chương còn hun đúc nghị lực, rèn luyện ý chí, bản lĩnh cho ta, giúp ta theo đuổi lí tưởng của mình. Từ xưa, phương Đông vốn đề cao quan niệm văn dĩ tải đạo — văn chương là để chứa đựng và truyền bá đạo lí. Khi san định Kinh Thi, bộ ca dao cổ Trung Quốc, Khổng Tử đã loại bỏ những chỗ ý tà lời nhảm, chỉ giữ lại những bài ca làm rung động lòng người, trong một chừng mực đạo đức, để giáo dục người dân.
Phương Tây cũng chú trọng chức năng giáo dục của văn chương. Thơ ngụ ngôn của La Phông-ten (La Fontaine), kịch của Coóc-nây (Corneille), Ra-sin (Racine) đều mang tính chất đạo đức, dù đề tài và cảm hứng bắt nguồn từ văn học cổ Hi-La. Kịch của Si-le (Schiller) đấu tranh chống tư tưởng phong kiến lạc hậu. Câu nổi tiếng của Boa-lô (Boileau): “Rien n’nest plus beau que ie vrai” (Không có gì đẹp hơn sự thật) cũng mang ý nghĩa sâu sắc. Sự thật ở đây không phải là sự thật khách quan của khoa học mà là chân lí của đạo đức được thể hiện trong văn học.
Đặc biệt, văn chương còn là một loại vũ khí sắc bén đế đấu tranh cho độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân. Từ thế kỉ XI đến thể kì XV ở nước ta, thơ của Lí Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuân, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã vang vọng tiếng gọi của non sông, động viên toàn dân đoàn kết đánh đuổi giặc xâm lược ra khỏi bờ cõi. Đến thế kỉ XIX, thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu, đầu thế kỉ XX, thơ văn Phan Bội Châu rồi thơ văn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã làm sôi lòng dân tộc, trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng, góp phần vào công việc chiến đấu giải phóng dân tộc.
Trái với mọi giá trị về tư tưởng, tình cảm mà văn chương hình thành cho con người, khoa học kĩ thuật chỉ mang lại một số tiện nghi cho đời sống vật chất. Chính văn chương mới nâng cao đời sống tinh thần và tình cảm của con người. Cuộc sống của chúng ta sẽ vô nghĩa biết bao nếu chỉ có những lí thuyết khô khan, những định luật phiền toái, những máy móc vô hồn vây quanh ta.
Hơn thế nữa, khoa học kĩ thuật tiến bộ vượt bậc mà không được soi rọi dưới ánh sáng của lương tri con người sẽ đẩy nhân loại tới chỗ bế tắc. Đu-ha-men (Duhamel) — một nhà văn nhân bản – đã cảnh cáo rằng, sự xàm lăng của kĩ thuật vào đời sống con người sẽ ỉà mối đe dọa cho nền văn hóa nhân loại. Những loại vũ khí hiện đại đã dội bao nhiêu khói lửa, bao nhiêu sắt thép xuống đầu người dân vô tội trong những cuộc chiến tranh. Điều đó chứng tỏ lòng nhân đạo của con người dần khô cạn, lương tri con người dần nhuốm màu đen của sự tham tàn, độc ác.
Ngay trong lĩnh vực trí thức, chưa hẳn khoa học mang lại những tiến bộ tốt đẹp cho ta. Con người ngày nay hiểu biết gấp nhiều lần người xưa, nhưng mấy ai chú trọng tới tri thức của tâm hồn. Xã hội đầy rẫy những văn bằng, bao kẻ được gọi là trí thức, nhưngbiểu hiện của nhân phẩm, của đạo đức trong đời sống thường ngày lại trở nên hiếm hoi, Dường như con người quá chăm về “trí” mà bỏ mất cái “tâm”, trong khi cái “tâm” mới là cốt lõi của con người.
Nói tóm lại, không thể không có một số tri thức khoa học cần thiết trong đời sống hôm nay, cũng không thể cho rằng, chỉ có văn chương mới đem lại lẽ sống cho con người.
Một cuộc sống tốt đẹp cho chúng ta trong thời đại ngày nay phải gồm cả vật chất lẫn tâm hồn như là sự kết hợp hài hòa giữa khoa học và văn chương.
Leave a Reply