Truyền thống yêu nước được thể hiện như thế nào trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945?
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Truyền thống tư tưởng lớn nhất và sâu sắc nhất của văn học nước ta từ xưa là truyền thống yêu nước. Văn học từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước sâu sắc đó, đồng thời cũng đem đến cho nền văn học dân tộc những đóng góp mới của thời đại.
– Dẫn đề và chuyển mạch.
II. THÂN BÀI
A. NHỮNG ĐIỂM KẾ THỪA
1. Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 đã kế thừa và phát huy những đặc điểm của chủ nghĩa yêu nước trong văn học các thời kì trước: ý thức tự cường, tự chủ, tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước, lòng yêu nước thương dân, ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc.
2. Những nội dung trên thể hiện qua một số thơ văn tiêu biểu:
– Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt.
– Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn.
– Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
– Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục Tỉnh của Nguyễn Đình Chiểu.
B. TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC TRONG VĂN HỌC TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN NĂM 1945
1. Bộ phận văn học yêu nước cách mạng
(1) Các nhà nho yêu nước từ bỏ dần hệ ý thức phong kiến, thấm nhuần hệ ý thức tư sản, coi thơ văn là phương tiện tuyên truyền vận động các phong trào yêu nước.
– Đó là mảng thơ văn từ các phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục, phong trào chống thuế ở Trung Kì năm 1908, của Việt Nam quang phục hội…
– Tố cáo tội ác của bọn thực dân thống trị:
Trăm thứ thuế, thuế gì cũng ngặt,
Rút chặt dần như thắt chỉ xe
……………………………………..
Nó coi mình như trâu, như chó,
Nó coi mình như cỏ như rơm,
– Bọn quan lại phong kiến sâu mọt:
Ngày mong mỏi vài con ấm tử
Tối vui chơi mấy đứa hầu non
Trang hoàng gác tía lầu son
Đã hao mạch nước, lại mòn xương dân.
(Phan Bội Châu)
– Ca ngợi những tấm gương anh hùng hi sinh vì nước: Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu.
– Kêu gọi toàn dân đoàn kết đấu tranh cứu nước:
Đường bảo chủng, nghĩa hợp quần
Tự cường thế ấy, duy tân thế nào
…………………………………..
Cùng trong một bọn quốc dân,
Gánh giang sơn cũng một phần trên vai.
(Chiêu hồn nước)
– Kêu gọi canh tân xã hội, đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản: Văn minh tân học sáchcủa trường Đông Kinh nghĩa thục.
(2) Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và các nhà văn vô sản gắn chủ nghĩa yêu nước với tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Truyện kí Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 20 của thế kỉ XX đã lên án chủ nghĩa thực dân, vừa nêu những yêu cầu độc lập dân tộc với tinh thần dân chủ theo hệ ý thức vô sản.
Bài ca cách mạng ra đời trong cao trào 1930 – 1931, kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh:
Ở ngoài quốc tế liên minh,
Ở trong quần chúng đồng tình kéo lên.
Non nước củ tay liền kéo lại,
Nòi giống ta tới cõi vinh quang.
– Tin tưởng cách mạng vô sản sẽ thắng lợi, xây dựng xã hội mới tươi đẹp;
Ta nghĩ ngày mai hết đói nghèo,
Hết tù, hết tội, hết gieo neo,
Trong ngoài bốn bể anh em cả
Ôi, đẹp vườn xuân những sớm chiều.
(Xuân Thủy)
2. Bộ phận văn học công khai, hợp pháp
(1) Trước hết là văn học hiện thực. Dù chưa thể hiện rõ lòng yêu nước, xu hướng văn học này đã tố cáo bọn quan lại phong kiến, cường hào, địa chủ áp bức bóc lột nhân dân (Tắt đèn – Ngô Tất Tố, Chí Phèo – Nam Cao), bọn tư sản thành thị xấu xa đồi bại trên tinh thần dân chủ và nhân đạo (Số đỏ – Vũ Trọng Phụng).
(2) Bên cạnh đó, văn học lãng mạn (những tác phẩm tích cực) đã thể hiện nỗi tủi hờn của thân phận người dân nô lệ (Nhớ rừng – Thế Lữ), bày tỏ tình cảm gắn bó với đất nước quê hương (Tràng giang — Huy Cận), luyến tiếc những cái đẹp của truyền thông văn hóa dân tộc nay đã thành vang bóng (Vang bóng một thời – Nguyễn Tuân, Ông đồ – Vũ Đình Liên). .
(3) Đặc biệt là tinh thần yêu nước thể hiện kín đáo qua tình yêu tiếng Việt. Các nhà văn của thế hệ 1930 — 1945 ý thức sâu sắc rằng sự tồn tại của một dân tộc gắn chặt với nền văn hóa, nhất là tiếng nói của dân tộc ấy. Cho nên họ đem hết tâm huyết và tài năng để làm cho văn chương tiếng Việt ngày càng hay hơn, đẹp hơn. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt (Hoài Thanh). Đây không phải những hoạt động văn chương đơn thuần mà là hoạt động mang ý hướng yêu nước trong hoàn cảnh nô lệ chung của dân tộc.
III. KẾT BÀI
Tóm lại, truyền thống yêu nước trong văn học từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 được thể hiện một cách đa dạng, phong phú qua hai bộ phận văn học yêu nước cách mạng và bộ phận văn học công khai hợp pháp với nhiều khuynh hưởng, nhiều hình thức biểu hiện.
Leave a Reply