Trong bài “Đọc thơ Nguyễn Khuyến”, thi sĩ Xuân Diệu viết: ”Hai trục cảm xúc rất rõ trong thơ Nguyễn Khuyến là quê hương làng nước và đồng hào nhân dân; không phải tâm hồn nhà thơ nào cũng có cả hai trụ cột như thế”.
Em có ý kiến gì về lời nhận định trên?
YÊU CẦU
– Thể loại
Kiểu bài bình luận văn học, cụ thể là bình luận về tác giả văn học.
– Nội dung
Cảm xúc độc đáo trong thơ Nguyễn Khuyến: quê hương làng nước và đồng bào nhân dân.
GỢI Ý
– Cần vận dụng nhiều thao tác nghị luận (phân tích, chứng minh) để làm một bài văn nghị luận tổng hợp mà bình luận là thao tác chính.
– Hiểu và đồng tình với ý kiến của thi sĩ Xuân Diệu về cảm xúc chủ đạo trong hồn thơ Nguyễn Khuyến; có thể đối chiếu với các tác giả trước và sau Nguyễn Khuyến viết về hình ảnh làng quê Việt Nam để thấy được nét đặc sắc, độc đáo của bức tranh quê Yên Đổ.
Thân bài có thể triển khai thành hai đoạn chính sau đây.
A. XÁC NHẬN Ý KIẾN CỦA XUÂN DIỆU
1. Quê hương làng nước và đồng bào nhân dân là hai trục cảm xúc nổi bật trong thơ Nguyễn Khuyến
(1) Cảm xúc về quê hương làng nước
– Cảm xúc trở về với quê hương làng xóm (Trở về vườn Bùi).
– Cảnh vật làng quê trong cái nhìn yêu thương, thân thiết của nhà thơ: nhà cỏ, cần trúc, bóng tre, chim chóc, ao thu, thuyền câu, ngõ trúc, bờ cỏ, con trâu, khúc sông, bãi chợ… (Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, Vịnh núi An Lão, Than mùa hè, Ngày hè, Ngẫu hứng).
– Những âm thanh làng quê gần gũi thân quen đi vào thơ Nguyễn Khuyến thật tự nhiên, hồn hậu; tiếng cuốc gọi hè, tiếng chích chòe gọi sáng, tiếng dế thiết tha, tiếng sấm mùa hè… (Cuốc kêu cảm hứng, Than mùa hè, Đêm mùa hạ).
– Bức tranh đồng quê đẹp một cách bình dị với những nét vẽ thuần phác thấm đẫm hồn quê: cá vượt khóm rau, bướm len lá trúc, tiếng chó sủa, tiếng phì phò của con trâu già (Đến chơi nhà bác Đặng).
– Cảnh mùa xuân trong thơ Nguyễn Khuyến là hình ảnh của mùa xuân trên làng quê với tiếng trống ình ịch, tiếng pháo lẹt đẹt nổ, cánh cò nhấp nhô (Khai bút).
– Trăng trong thơ Nguyễn Khuyến là vầng trăng đồng quê Việt Nam: trăng loe trên làn ao, trăng vào ngôi nhà cỏ, trăng trôi trên làn nước (Thu vịnh, Thu ẩm, Vịnh lụt).
– Đi vào thơ Nguyễn Khuyến là những tên đất, tên làng Việt Nam: vườn Bùi, núi An Lão, núi Long Đội, Chợ Đồng…
(2) Cảm xúc về đồng bào nhân dân
– Nhà thơ yêu thương gắn bó với nhân dân, với bà con làng xóm: thăm viếng chuyện trò, chào mời đến mừng lên lão, chia vui chén rượu, trái ngon của quê nhà được biếu… (Lẽn lão, Lụt, Hỏi thăm bạn, Hạ nhật).
– Hướng vào việc miêu tả xác thực cuộc sống ở làng quê, gợi được không khí sinh hoạt ở nông thôn ngày xưa (Chợ Đồng, Khai bút, Ngắm chiều hè).
– Viết về cuộc sống người dân quê bằng cả tâm huyết và cảm xúc chân thành, đồng cảm với nỗi cơ cực của người nhà quê: cảnh lụt lội, mất mùa… (Chợ Đồng, Vịnh lụt, Chốn quê).
2. Không phải tâm hồn nhà thơ nào cũng có cả hai trụ cột như thế
– “Trong lịch sử thơ ca Việt Nam, về đề tài làng quê Nguyễn Khuyến được coi là quán quân”. (Nguyễn Đình Chú)
– Trước và sau Nguyễn Khuyến cũng đã có những bức tranh quê trong thi ca nhưng hiếm ai thể hiện cái hồn quê và tiếng vọng muôn đời của làng xóm quê hương tinh tế như Nguyễn Khuyến.
• Ở Nguyễn Trãi: hình ảnh những cây cải, cây cà, giậu mùng tơi, bè muống mới bắt đầu đi vào thơ, thế mà đến Nguyễn Khuyến chúng đã đi vào thơ thật tự nhiên, thật gần gũi.
• Sau này, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ và cả Nguyễn Bính viết về bức tranh quê cũng có không ít những khám phá mới, vẽ những nét vẽ nên thơ đặc sắc, đáng yêu nhưng tâm huyết mà họ dành cho làng quê, cho thân phận tối tăm, cực nhọc của người nhà quê quả thật chưa được nhiều và sâu sắc như Nguyễn Khuyến.
B. MỞ RỘNG
– Nguồn gốc sâu xa tạo nên hai trục cảm xúc ấy trong thơ Nguyễn Khuyến: cả cuộc đời ông gắn bó với quê hương với làng nước, sự trở về của nhà thơ chính là tham dự vào trung tâm cuộc sống dân dã nơi quê hương.
– Thơ Nguyễn Khuyến có khuynh hướng dân tộc hóa: chính việc từ bỏ tư thế nhà nho, nhập tâm vào khung cảnh sinh hoạt làng quê dã giúp Nguyễn Khuyến thoát được áp lực của công thức cảm thụ của nhà nho để hưởng tới cái hiện thực, cái cụ thể của thế giới quanh mình.
– Vấn đề không phải là kĩ thuật văn chương mà là vấn đề tình cảm, tâm hồn: nhà thơ viết về làng quê với một tấm lòng tha thiết, một cảm xúc chân thành, đó là cảnh thực, tình thực.
– Nguyễn Khuyến là một trong những ngôi sao cuối cùng của nền văn học trung đại Việt Nam, là hiện tượng giao thoa giữa hai thế kỉ để hướng tới hiện đại.
Leave a Reply