Nguyễn Ái Quốc trong thời kì sống và hoạt động ở Pháp đã viết một số truyện kí bằng tiếng Pháp như Vi hành, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu… Đó là những tác phẩm giàu chất trí tuệ và tính hiện đại, thể hiện một quan niệm lấy văn chương để phục vụ chính trị và dân tộc.
Tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu đăng trên báo Người cùng khổ số 36 – 37 vào tháng 9, 10 – 1925. Truyện gồm có ba cảnh: cảnh 1, Va-ren đến Sài Gòn được bọn tay chân đón rước linh đình; cảnh 2, Va-ren dừng lại Huế được bọn bù nhìn đãi yến và gắn mề-đay Nam Long bội tinh; cảnh 3, Va-ren đến Hà Nội và gặp Phan Bội Châu đang bị thực dân Pháp cầm tù với bản án tử hình.
Cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu cho thấy ngòi bút châm biếm sâu sắc của tác giả Nguyễn Ái Quốc. Tác giả đã sử dụng thủ pháp tương phản đối lập để tạo nên tính chiến đấu sắc bén.
Va-ren đã vào “tận xà lim” nơi Phan Bội Châu “đang rên xiết”. Va-ren là con người “đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kể đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòngtin, ruồng bỏ giai cấp mình”… Phan Bội Châu là con người “đã hi sinh cả gia đình và của cải”, phải “sống xa Ha quê hương” để tìm đường cứu nước cứu dân, bị bọn thực dân “kết án tử hình vắng mặt”, đang bị “đeo gông” chờ ngày lên “máy chém”. Hai nhân cách đối đầu, một bên là “kẻ phản bội nhục nhã”, một bên là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thăn vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng.”. Ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc biểu lộ thái độ yêu, ghét, tôn trọng, khinh bỉ rất rõ ràng, dứt khoát.
Bằng trí tưởng tượng kì diệu, tác giả đã vạch trần bộ mặt xảo quyệt, giả nhân giả nghĩa, thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc của tên thực dân cáo già! Va-ren “tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm”. Va-ren dụ dỗ Phan Bội Châu hãy “trung thành”, “cộng tác”, “hợp lực” với nước Pháp vì sự nghiệp “khai hóa và công lí”. Hắn khuyên nhà cách mạng Việt Nam đừng “xúi giục” đồng bào ta nổi lên chống Pháp… Hắn khoe mẽ ở Đông Dương “nền dân chủ… nhờ Chúa, rất là tốt!” … Cuối cùng hắn tự vạch trần chân tướng là một kẻ phản bội, tên cơ hội hãnh tiến: “Ông hãy nhìn tôi này, ông Phan Bội Châu! Trước tôi là Đảng viên xã hội đấy và giờ đây thì tôi làm Toàn quyền!…”.
Trái lại, trong cuộc chạm trán ấy, Phan Bội Châu rất chủ động “im lặng, dửng dưng”, “mỉm cười một cách kín đáo..”. Đặc biệt ở phần “tái bút”, tác giả cho biết một nhân chứng quả quyết rằng “Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren”. Một cái nhổ khinh bỉ. Vị toàn quyền “tôn kính” đã bị hạ nhục!
Tác giả Nguyễn Ái Quốc viết truyện này không chỉ nhằm mục đích ca ngợi Phan Bội Châu “một người lừng tiếng” mà còn đòi ân xá cho cụ, đồng thời vạch trần bộ mặt xảo quyệt, bẩn thỉu của tên Toàn quyền Va-ren nói riêng và lũ thực dân Pháp nói chung.
Giọng văn đả kích châm biếm đầy khinh bỉ. Một lối viết ngắn, tạo tình huống rất độc đáo về cuộc chạm trán giữa Va-ren và Phan Bội Châu. Trang văn của tác giả Nguyễn Ái Quốc trở thành lưỡi gươm chống thực dân, chống kẻ thù xâm lược! Vô cùng sắc bén!
Leave a Reply