Nguyễn Công Trứ cho rằng con người sinh ra ở đời thì: “Phải có danh gì với núi sông” (Chí nam nhí).
Hãy tìm hiểu quan niệm “danh” trong thơ ca Nguyễn Công Trứ. Theo em, quan niệm đó có giá trị như thế nào?
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
Thời niên thiếu, trong một lần lều chõng đi thi, Nguyễn Công Trứ đã tự vịnh:
Phải có danh gì với núi sông.
(Đi thi tự vịnh)
Đó chính là tư tưởng chủ yếu trong toàn bộ quan niệm về chí nam nhi, được ông khẳng định lần nữa trong bài hát nói Chí nam nhi:
Phải có danh gì với núi sông.
Ta hãy tìm hiểu và đánh giá chữ “danh” của Nguyễn Công Trứ, một trí thức phong kiến tiêu biểu vào nửa đầu thế kỉ XIX ở nước ta.
II. THÂN BÀI
A. TÌM HIỂU QUAN NIỆM “DANH” QUA THƠ VĂN NGUYỄN CÔNG TRỨ
Lí tưởng làm trai của Nguyễn Công Trứ bao gồm hai nét chính: trách nhiệm người trai đối với xã hội và chữ “danh”.
Nguyễn Công Trứ đã lí giải quan niệm về “danh” với hai thái độ: ca ngợi “danh” chân chính và đả phá hư danh.
1. Ca ngợi cái “danh” chân chính xây dựng trên cơ sở tài đức và sự nghiệp của người trai
(1) “Danh” là tên tuổi, tiếng tăm của con người. Đó là danh phận, gắn liền với người trai như một tất yếu:
Mà chữ danh liền với chữ thân
Thân đã có, ắt danh âu phải có.
(Nghĩa người đời)
Danh phận đó được xây dựng trên cơ sở đạo đức bản thân, theo quan niệm Nho gia chính thống: hiếu nghị, cương thường:
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị;
Đạo lập thân phái giữ lấy cương thường.
(Kể sĩ)
(2) Bên cạnh đó là tài năng và sự nghiệp. Ở đây, danh gắn liền với chữ công, tức sự nghiệp. Để xứng đáng là bậc tu mi nam tử, người trai nhất thiết phải tạo dựng sự nghiệp ở đời:
Trót sinh ra thời phải có chi chi.
(Chí nam nhi)
Mà phải là sự nghiệp phi thường trong thiên hạ:
Yếu vi thiên hạ kì.
(Chí nam nhi)
(3) Nguyễn Công Trứ còn lấy công danh làm chuẩn mực tinh thần để xác định giá trị người trai:
Không công danh thà nát với cỏ cây.
(Phận sự làm trai)
Cỏ cây không có tri giác, không có linh hồn, sinh ra rồi chết đi, mục nát, không để lại chút gì. Con người khác biệt cỏ cây, có đời sống tinh thần, hướng về hành động cao cả, cho nên phải lập sự nghiệp phi thường, để lòng son chiếu rạng sử xanh:
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
(Chí nam nhi)
2. Phê phán quan niệm hẹp hòi, lệch lạc về “danh”
(1) Đả, phá danh vị
Trước khi đỗ đạt, làm quan, hẳn Nguyễn Công Trứ cũng từng đã mơ màng tước phẩm triều đình, địa vị xã hội:
Hơn nhau một tiếng công hầu.
Rồi trải qua những thăng trầm trên đường hoạn lộ, tiếp xúc với cuộc đời đầy bất công, phi lí, Nguyễn Công Trứ cảm thấy ngán ngẩm, nhận ra ràng danh vị vẫn không làm nên giá trị đích thực cho con người, và ông đổi chữ “công hầu” thành chữ “anh hùng”:
Hơn nhau hai chữ anh hùng.
(Phận sự làm trai)
(2) Chán ngán danh lợi
Ngót ba mươi năm trên quan trường với hai mươi ba lượt thăng giáng:
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
(Bài ca ngất ngưởng)
Nguyễn Công Trứ đã cảm nhận hết nỗi vinh nhục, đắng cay:
Ra trường danh lợi, vinh liền nhục;
Vào cuộc trần ai, khóc lại cười.
(Làm quan bị cách)
Cũng thật chán chường danh lợi:
Chen chúc lợi danh đà chán ngắt.
(Thoát vòng danh lợi)
B. ĐÁNH GIÁ QUAN NIỆM “DANH” CỦA NGUYỄN CÔNG TRỨ
1. Giá trị tích cực
Xuất phát từ quan niệm nhập thế hành đạo của Nho gia, Nguyễn Công Trứ cho rằng kẻ làm trai phải dấn thân vào đời để hoàn thành nhiệm vụ của mình đối với xã hội, đất nước. Cho nên quan niệm danh của ông vừa có giá trị thực tiễn, vừa mang giá trị triết lí.
(l) Về mặt thực tiễn
Kẻ làm trai phải hướng vào những mục tiêu cao đẹp: rèn luyện đạo đức và tài năng, tạo sự nghiệp phi thường về văn võ, đề được người đời ca ngợi. Lòng nhiệt tình với công danh ấy đã kích thích người trai đem hết sức lực, tài trí ra phục vụ xã hội, đất nước.
(2) Về mặt triết lí
Vượt phạm vi thực tiễn, Nguyễn Công Trứ còn nâng lên một bước cao hơn: xây dựng công danh để xứng đáng là con người trong trời đất.
Theo ông, trời đất có chính khí thiêng liêng cao cả của trời đất. Còn con người cũng phải nhận lấy những trách nhiệm, hành động để tạo nên cái cao cả của con người, đó là khí hạo nhiên đã nâng con người ngang tầm vũ trụ:
Khí hạo nhiên chí đại chí cương,
So chinh khí đã đầy trong trời đất.
(Kẻ sĩ)
2. Hạn chế
(1) Quan niệmcông danh của Nguyễn Công Trứ quá đề cao vai tròcủa người tríthức phong kiến, mang tính cá nhân gần như tuyệt đối. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước không phải chỉ là nhiệm vụ của người nho sĩ trí thức.
(2) Quan niệm về công danh của ông còn hạn hẹp trong hệ tư tưởng phong kiến: Con người tự buộc mình vào khuôn phép đạo lí Nho gia, bắt đầu bằng hai chữ trung, hiếu hẹp hòi mà giai cấp phong kiến đã từng lợi dụng.
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất.
(Phận sự làm trai)
III. KẾT BÀI
Quan niệm về danh của Nguyễn Công Trứ là một quan niệm hành động, hành động để tạo sự nghiệp hiển hách, cho thỏa chí tung hoành, để danh tiếng mình mãi mãi được ca tụng.
Dù còn hạn chế về mặt tư tưởng, quan niệm chữ danh trên vẫn chứa đựng một số yếu tố tích cực, có giá trị rèn luyện ý chí nghị lực cho thanh niên ngày nay.
Leave a Reply