A. MỞ BÀI:
Vào thời điểm thơ mới đang hưng thịnh, người ta quan tâm tới Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận,… Nguyễn Bính chỉ được ghi nhận là nhà thơ quê mùa, mang hương vị của “hương đồng gió nội” chốn thôn quê. Thông qua sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian, thơ Nguyễn Bính càng lúc càng được khẳng định, thơ ông đã đánh động, khơi nguồn những giá trị văn hóa truyền thống, đã làm sống lại ca dao dân ca vốn là nền tảng của đời sống tâm hồn dân tộc.
“Tương tư” là trạng thái tình cảm, được bộc lộ nhiều nhất trong ca dao, tình yêu người Việt Nam. Đề tài này đi vào thơ Nguyễn Bính, nó vừa mang những nét rất quen nhưng cũng có nét biến thái rất lạ, “rất Nguyễn Bính”.
B. THÂN BÀI
* Giải thích: “Tương tư” trong nghĩa chữ Hán có nghĩa là cùng yêu nhau, cùng quan tâm khắc khoải về nhau. Mối quan tâm này đặc biệt được thể hiện trong quan hệ lứa đôi. Do vậy nói đến “tương tư”, là nói tới nỗi nhớ mãnh liệt, với nghĩa hẹp là nói về tình yêu trai gái.
Tuy nhiên, nghĩa thông dụng nhất của hai tiếng “tương tư’ còn có một nội hàm rất hẹp nữa. Đó là tâm trạng, nhớ nhung, mãnh liệt, phập phồng trong bao nhiêu âu lo và nó thường chỉ là một thứ tình cảm đơn phương từ một phía.
Do truyền thống văn hóa và đặc điểm giới tính, trong ca dao Việt Nam, văn chương Việt Nam, tương tư thường được người phụ nữ bộc lộ. Bài “Khăn thương nhớ ai”, “Sóng” của Xuân Quỳnh, hoặc “Lời ru với anh” của Lý Phương Liên., đều nói lên điều ấy.
Cái lạ của Nguyễn Bính trong bài “Tương tư” này là nhân vật trữ tĩnh bộc lộ những cung bậc nỗi nhớ không phải là người con gái mà chính là một chàng trai thôn quê.
Bắt đầu là một trạng thái nhớ nhung
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
Câu thơ thứ nhất đáng lẽ nói: “Anh ở thôn này ngồi nhớ em ở thôn kia”. Một cá nhân quan tâm tới một cá nhân. Ấy vậy mà khi tương tư người ta cảm nhận tất cả mọi người thôn Đoài ngồi nhớ tất cả mọi người thôn Đông. Thậm chí, “thôn nhớ thôn” không gian địa lí dường như có linh hồn để chúng nhớ nhau. Thủ pháp Hoán dụ ở đây đã nói lên quy luật của nỗi nhớ: Khi tương tư người ta có cảm giác thế giới quanh mình cũng chịu áp lực của nỗi nhớ.
Câu thơ thứ hai xuất hiện 4/8 tiếng là số từ. Nào là “một” rồi lại “chín” rồi lại “mười” và rồi lại là “một”. Có điều tiếng “một” người đứng ởđầu và ở cuối câu thơ. Giữa người này và người kia là “chín nhớ mười mong”. Chính thành ngữ dân gian đã làm cho sự xa cách trở nên ngàn trùng hun hút. Đây không chỉ là sự xa cách không gian, địa vật lí mà là sự xa cách của không gian tâm lí. Chính nỗi nhớ với mười sự thương đã làm nên một sự ngăn cách diệu vợi giữa một người với một người. Hai dòng thơ thứ 3 và thứ 4 đều có hệ từ “là”. Nó tạo nên một so sánh có suy luận. Sở dĩ có “gió mưa” bởi vì trời trở bệnh. “Gió mưa” là biểu hiện bên ngoài của căn bệnh mà trời đang mắc phải. Bệnh của trời là do yếu tố bên trong chi phối.
So sánh thứ hai là nói về mối quan hệ giữa tương tư và bệnh. Nếu trời bị bệnh biểu hiện bằng gió mưa thì tôi bị bệnh biểu hiện bằng tương tư. Trời và tôi là hai kẻ đồng bệnh. Những cái khác nhau cơ bản giữa “trời” và “tôi” là nguyên nhân gây bệnh. Vì tôi yêu thương, tôi “tương tư’ cho nên tôi mắc bệnh tương tư. Phương thuốc trị bệnh cho tôi chỉ có thể là nàng. Chừng nào sự nhớ nhung một chiều; chừng nào người ta không có mối quan tâm ngược lại với tôi thì tương tư của tôi không dứt, không hết.
Trạng thái thứ hai của tương tư là băn khoăn hờn dỗi
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Văn hóa Việt luôn lấy làng làm đơn vị. Vì vậy, các thôn cũng thống nhất với làng, về hiện thực khách quan thì hai thôn là một. Bởi vì hai thôn chỉ là hai thành phần của một làng.
Khi tự nguyện “chung lại” thì sẽ trở thành con số một duy nhất. Quy luật của tình yêu là hợp nhất, tự nguyện giữa con người con gái và người con trai để thành một cặp, một mái ấm gia đình. Nói đến thôn làng ẩn dấu phía sau là nói tới quy luật của tình yêu định hướng phía hôn nhân.
Khách quan đã vậy cớ sao bên ấy và bên này lại khác biệt?
Hiển nhiên, bên này rất muốn chung với bên ấy. Việc “chung lại” hòa hợp này không thành thiện thực là do bên ấy quá hờ hững. Hai tiếng “cớ sao” là sự trách cứ dỗi hờn, sự băn khoăn của bên này với bền ấy.
Cung bậc thứ 3 của tương tư chính là những lời than thở
“Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”.
Có thể nói, đây là hai câu thơ hay nhất trong bài Tương tư nó phản ánh một quy luật của tình yêu đơn phương đợi chờ, không có ai để sẻ chia tâm sự. Cách ngắt nhịp của thơ lục bát truyền thống là hai / hai ở đây nó đã tạo nên sự bất thường:
“Ngày qua ngày (3) lại qua ngày (3)”
Từ “ngày” đã lặp lại 3 lần ở câu lục (6). Nó tạo cảm giác: ngày này đi qua, ngày khác lại đến, không có thay đổi. Chờ đợi những ngày tiếp theo mong muốn có những động thái “bên ấy”. Nhưng rồi, lại qua một ngày nữa đợi chờ. Đồng thời gian trôi. Nỗi day dứt nóng ruột của kẻ tương tư cứ tăng lên.
Ở câu “bát” cũng có sự ngắt nhịp rất bất thường
“Lá xanh nhuộm (3) đã thành cây lá vàng (5)
Sợ chờ đợi mỏi mòn đã biểu hiện bằng thị giác. Từng chiếc lá xanh “ngày qua ngày lại qua ngày” đã bị nhuộm thành màu vàng. Nhiều chiếc lá xanh đã bị tháng ngày nhuộm thành nhiều lá vàng, ở đây thời gian tương tư đằng đẵng cho những cây lá xanh thành những cây lá vàng.
Nguyễn Du khi mô tả trạng thái chờ đợi lê thê và rất sốt ruột của nàng Kiều đã viết:
Nay hoàng hôn (3) đã (1) lại mai hôn hoàng (4)
Trong hai câu thơ Nguyễn Bính đã tách “lại”, và “đã” để dòng thời gian vẫn tiếp diễn như cũ và sự vật đã bị thời gian phủ nhận hoàn tất một quá trình.
Nguyễn Du có một câu thơ rất hay:
“Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
“Nhuốm” là muốn nói đến màu sắc “quan san” vừa chớm vào rừng phong mùa thu. Từ “nhuốm” chỉ sự bắt đầu xâm nhập vào màu sắc nguyên thủy. Từ “nhuộm” trong thơ Nguyễn Bính cho thấy màu xanh đã thành màu vàng. Thời gian đã “nhuộm” đi, nhuộm cho xanh không còn và vàng hiện diện. Câu thơ cho thấy sự tương tư ở đây đã gặm nhấm tâm hồn thật lâu, thật nặng nề. Nó biến cái tươi tốt thành vàng héo, hủy diệt.
Trạng thái tâm lí thứ 4 là hờn trách mát mẻ.
“Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng nay cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai hỡi ai người biết cho?”
Bởi tương tư là tình cảm đơn phương cho nên khi không có đối thoại chàng trai đã tự độc thoại. Nói thầm một mình mà cứ ngỡ cô gái mình yêu sẽ hiểu thấu tất cả.
Rõ ràng, thôn Đoài và thôn Đông chung một ngôi đình, một làng thì hiển nhiên không có cách trở đò giang; hiển nhiên con đường từ bên ấy sang bên này không có sự cách trở. Chẳng thà thôn Đoài thôn Đông bị ngăn cách bởi sông nước.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhân vật “tôi” và “nàng” ở hai thôn trong một làng nhưng thật sự hai nhà ở rất gần nhau. Anh ở bên này ngôi đình, còn chị bên kia ngôi đình mà. thôi. Cả hai chỉ cáchmột đầu đình.Do vậy, không gian địa lí, vật lí có xa xôi mấy đâu. Sự phi lí là tình lại xa xôi, vì vậy mà tương tư. Đã tương tư thì phải thao thức không biết “mấy đêm rồi” nghĩa là không hề đếm thời gian, không quan tâm tới thời gian đằng đẵng.
Chàng trai hỏi người yêu, mong người yêu biết cho nỗi tương tư của mình. Hiển nhiên câu hỏi chỉ góp vào một lời thở than hờn mát.
Tình cảm thứ 5 trong trạng thái tương tư chính là nôn nao mơ tưởng: Càng cảm thấy tuyệt vọng bao nhiêu người ta càng hy vọng vu vơ bấy nhiêu.
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
“Bến và đò”, “hoa và bướm” vốn là những ẩn dụ trong ca dao, là những cặp đôi rất đẹp; rất dễ liên tưởng tới những quan hệ lứa đôi. “Đò” về “bến”, “bướm” tìm “hoa” thơm, thôn Đông phải hợp thôn Đoài. Đó là quy luật nhưng bao giờ thời điểm này xảy ra? Quả là một mơ tưởng, một hy vọng, không ước hẹn.
Tâm trạng cuối cùng trong tương tư là ước vọng xa xôi. Bài thơ chuyển đổi đề tài trần thuật rất bất ngờ, tự dưng mô tả “Nhà em có y một giàn giầu”.
Lời mô tả thứ hai khiến ta liên tưởng thú vị:
“Nhà anh có một hàng cau liên phòng”
Đây là loại cau có quả quanh năm. Hễ có trầu là có cau.Ẩn dụ trầu cau là muốn nói tới quan hệ tình nghĩa khỏi đầu cuộc hôn nhân, ở đây trầu vẫn là trầu, cau vẫn là cau.
Vì thế thôn Đoài vẫn ngồi nhớ thôn Đông; “cau vẫn nhớ trầu”… có nghĩa là tình yêu cứ đơn phương, chàng trai vẫn tương tư… Tuy nhiên trầu và cau là kết hợp cặp đôi, Nói lên ước vọng xa xôi, cau rất cần trầu cũng như trầu không thể thiếu cau.
C. KẾT BÀI
“Tương tư” của Nguyễn Bính đã diễn tả một cách chân thật và có lí tình yêu đơn phương một chiều của một chàng trai quê thụ động bị nỗi mong ước dày vò. Tất cả những tâm sự, những thang bậc tình cảm ở đây đều diễn ra một cách tự nhiên và hợp lí. Bắt đầu là nỗi nhớ nhung.
Nỗi nhớ không được đáp ứng nên tỏ ra băn khoăn hờn dỗi. Sự hờn dỗi không nhận được tấm lòng cảm thông cho nên chàng trai một mình than thở, hờn trách, kết tội người mình yêu. Khi biết rằng đây là tình cảm đơn phương, chàng trai nhóm lên hy vọng bằng mơ tưởng và ước vọng xa xôi. Tất cả những tình cảm tinh tế ấy được viết bằng thể thơ lục bát truyền thông thông qua những hình tượng của ca dao, dân ca…
Leave a Reply