Quan điểm này của Vương Sung mới nghe qua cảm thấy dường như nhất trí với quan điểm thần bí, thế nhưng khi xét trên cả hệ thống tư tưởng của Vương Sung, ông ta hoàn toàn không tán thành với tất cả những quan điểm của chủ nghĩa thần bí, không những thế mà còn cật lực phản đối quan điểm nhân cách hóa trời đất (tự nhiên) của chủ nghĩa thần bí. Với tư tưởng đấy, Vương Sung không chủ trương hiện thực hóa và cụ thể hóa ý nghĩa của những giấc mơ. Tuy nhiên, ông cũng không phủ nhận khả năng dự đoán từ chúng. Theo Vường Sung, do vận mệnh là một dạng sức mạnh chung chung, nên dự đoán của giấc mơ cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, không hẳn là một tương lai được biết trước hoàn toàn. Và cũng từ quan điểm này, Vương Sung đã phân ranh giới rõ ràng với chủ nghĩa thần bí, đồng thời xây dựng nên quan niệm triết học về chủ nghĩa tự nhiên của mình. Kể từ đây, Vương Sung chỉ xem giấc mơ là một sứ giả đưa tin của vận mệnh và phủ nhận quyền quyết định của nó.
Trước khi về chốn cửa tuyền, Tần Thủy Hoàng đã gặp phải ba chuyện quái lạ:
Chuyện thứ nhất: Một ngôi sao từ trên trời cao bỗng nhiên rơi xuống đất, hóa thành tảng đá, trên khắc chữ: “Nơi Tần Thủy Hoàng chết” . Tần Thủy Hoàng biết chuyện lập tức sai quân điều tra, nhưng không một ai thừa nhận. Tần Thủy Hoàng đùng đùng nổi giận, hạ lệnh tàn sát tất cả dân lành sinh sống xung quanh nơi có tảng đá, sau đó cho nổi lửa đốt cháy nó ngay.
Chuyện thứ hai: Một sứ giả khởi hành từ Hà Nam và trú qua đêm ở Hoa Âm, Thiểm Tây. Đêm khuya, bỗng xuất hiện một kẻ lạ mặt tay cầm viên ngọc, chặn sứ giả lại, nói: “Hôm nay Thủy Hoàng chết”. Sứ giả lên tiếng thắc mắc, người đó chỉ để lại viên ngọc, rồi vội vàng lẩn trốn. Sứ giả về cung dâng ngọc cho vua và kể lại đầu đuôi câu chuyện. Nge xong Tần Thủy Hoàng trầm ngâm giây lát rồi bảo: “Quỷ núi chẳng qua chỉ biết chuyện của một năm”.
Chuyện thứ ba: Tần Thủy Hoàng tuần chinh đến Lang Nha, thì mơ thấy thần biển hóa hình người, đòi quyết chiến với vua. Tần Thủy Hoàng liền mời người giải mộng. Người ấy bảo: “Mắt phàm không thấy được thần biển, nhưng thần thường hóa thành con cá lớn. Mơ thấy thần ắt điềm báo chẳng lành.” Tần Thủy Hoàng nghe xong nổi giận lôi đình, vội chèo thuyền ra biển, quyết bắt cho được cá lớn mới nguôi giận. Từ Lang Nha, vua bơi thuyền đến núi Vinh Thành, nhưng không thấy bóng dáng cá đâu. Mãi đến tận Chi Phù mới gặp được hình tượng thần biển, ông giơ cung bắn chết một con trong số đó. Sau đó, Tần Thủy Hoàng đi ven theo biển đến vùng đồng bằng bến sông Hoàng Hà. Ông đã ngã bệnh tại đây và băng hà khi mới về tới Cự Lộc.
Ba chuyện quái lạ đó ắt hẳn đều là điềm dữ đối với vua Tần Thủy Hoàng. Vương Sung cho rằng, tất cả đều là số mệnh khiến Tần Thủy Hoàng phải tìm về cõi chết. Số mệnh này đã thông qua nhiều sự kiện để truyền đạt nội dung đến Tần Thủy Hoàng. Giấc mơ chiến đấu cùng thần biển là một kiểu truyền đạt của điềm báo. Trong “Luận hành” , Vương Sung có viết: “Cái chết của Đế Vương, tất phải có việc lạ phát sinh, không thấy ở vật, mà lại xuất hiện trong mơ”.
Theo lý luận của Vương Sung, cái chết báo trước của Tần Thủy Hoàng về bản chất không phải do con người gây ra. Chính những hành vi của Tần Thủy Hoàng đã tạo nên vận mệnh tất nhiên như thế. Điềm báo ( bao gồm cả giấc mơ ) chẳng qua chỉ có tác dụng truyền đạt mà thôi.
Leave a Reply