Bình giảng bài “Thơ duyên” của Xuân Diệu.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Hồn thơ Xuân Diệu không bao giờ khép kín mà luôn luôn rộng mở đối với thiên nhiên và con người.
– Niềm khao khát được hòa hợp, giao cảm với cuộc đời thể hiện rõ nét qua một bài thơ thật hồn nhiên của nhà thơ: Thơ duyên (ghi lại bài thơ).
– Chuyển mạch.
II. THÂN BÀI
A. SỰ GIAO HÒA TUYỆT DIỆU TRONG THIÊN NHIÊN
– Duyên chỉ sự ràng buộc quấn quýt. Đây là cuộc gặp gỡ tình cờ không hẹn trước. “Thơ duyên” là thơ để làm duyên, để bắc nhịp cầu cảm thông.
– Cũng có thể hình tượng thơ cho thấy những xúc cảm tinh tế của nhà thơ trước sự hòa hợp tuyệt diệu giữa con người và thiên nhiên, giữa “anh” và “em” trong không khí của thơ và mộng, trong âm hưởng của nhạc (tiếng huyền) và trong tình yêu mến (nỗi thương yêu).
1. Chiều mộng vừa hiện thực vừa lãng mạn. Một buổi chiều mùa thu với không gian êm đềm, cảnh vật như đang giao hòa trên nhánh duyên.
– Hình ảnh gợi cảm, thơ mộng:
• Đôi chim hót ríu rít, chuyền trên những cành me.
• Nền trời trong xanh màu ngọc bích đố ánh sáng qua muôn lá.
– Dường như khắp nơi, thiên nhiên đều dạo lên khúc nhạc chào đón mùa thu:
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.
2. Cảnh vật trở nên nhẹ nhàng, duyên dáng:
– Con đường nho nhỏ với những làn gió xiêu xiêu nhẹ, những cành hoang lả lả dưới ánh nắng chiều…
– Những đám mây biếc bay gấp gấp, làm cho cánh cò trên ruộng cũng phân vân.
“Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều (Lạc hà dữ cô lộ tể phi; Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc, dịch là: Ráng chiều và cánh cò đơn chiếc lặng bay; Nước mùa thu cùng trời mùa thu một sắc) đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới” (Hoài Thanh). Vì Vương Bột quan sát, còn Xuân Diệu vừa quan sát vừa cảm nhận nên có sự cách biệt ấy,
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
như nêu bật cảm giác rợn ngợp của cánh chim trước bầu trời cao rộng, và cảm giác dịu lạnh của một loài hoa dưới những giọt sương chiều rơi nhẹ.
3. Thiên nhiên trong buổi chiều hôm qua bài thơ thật êm đềm, thơ mộng. Tất cả dường như có duyên với nhau, giao hòa trong một sự vận động vốn có. Nét đặc sắc nhất của những câu thơ ở đây là “cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng” (Hoài Thanh).
Hơn nữa, thiên nhiên như đang chuẩn bị cho những cảm xúc trìu mến để con người đón nhận những tình cảm thương yêu.
B. SỰ GIAO HÒA GIỮA CON NGƯỜI VÀ THIÊN NHIÊN
1.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
– Nhân vật trữ tình ở đây là ta, là anh, một chàng thanh niên mới lần đầu rung động con tim nên cảm thấy tràn ngập tình cảm thương yêu.
– Anh đi dưới đất trời — như giữa bài thơ dịu trên con đường nho nhỏ thoảng làn gió xiêu xiêu trong âm vang của khúc nhạc thu êm ái, lòng chợt rung động bởi một tình cảm mới lạ, cứ nhịp bước theo em. Tâm hồn anh hòa điệu với em như một cặp vần, dù ta chẳng quen biết nhau, không có băng nhân mai mối:
2.
Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Nhân vật trữ tình đang lắng nghe lòng mình hòa điệu với vạn vật, cùng lúc khao khát giao cảm với cuộc đời, khao khát yêu thương và được thương yêu.
3. Tình cảm yêu thương trong bài thơ gây ấn tượng sâu đậm, như một niềm hạnh phúc chính đáng mà con ngườiđược hưởng, và thơ mộng như trong truyện thần tiên:
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
III. KẾT BÀI
Thơ duyên cho thấy bao nét đẹp của một chiều thu quê hương qua những chi tiết được quan sát, chủ yếu là được cảm nhận thật tinh tế. Đây là một trong số rất ít bài thơ trong sáng, hồn nhiên của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Bài thơ bộc lộ rõ nét niềm khao khát giao cảm với cuộc đời — một nội dung chủ yếu của thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám.
Leave a Reply