“Nhưng chỉ với Xuân Diệu, thời gian mới trở thành một nỗi ám ảnh. Thời gian trong thơ ông không chỉ là cảm xúc, là thi hứng mà còn là nhân tố kiến trúc của tác phẩm nghệ thuật. Có thể nói, Xuân Diệu nhìn đời bằng con mắt thời gian: “chất Xuân Diệu”, phong cách thơ ông là ở đó“. (“Con mắt thơ” – Đỗ Lai Thúy. Nxb Giáo dục, 1997 – tr.55)
Hãy làm rõ ý kiến trên thông qua việc phân tích bài thơ “Đây mùa thu tới” và bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu.
YÊU CẦU
– Thể loại
Kiểu bài chứng minh văn học, cụ thể là chứng minh một khía cạnh về nội dung thơ của một tác giả.
– Nội dung
Cảm thức về thời gian trong thơ Xuân Diệu.
GỢI Ý
– Thông qua việc phân tích hai bài thơ Đây mùa thu tới và Vội vàng, cần làm sáng tỏ một đặc điểm phong cách thơ Xuân Diệu. Đó là cảm thức về thời gian, từ cảm thức này mà diễn tả thành công lòng yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống nồng nàn tha thiết – yêu sống hết mình mà cũng buồn chán hết mình.
– Có thể vừa phân tích vừa chứng minh ý kiến đề bài sau khi giải thích sơ lược đề bài.
A. NỘI DUNG Ý KIẾN
1. “Chỉ với Xuân Diệu, thời gian mới trở thành một nỗi ám ảnh”
– Không phải Xuân Diệu là nhà thơ duy nhất cảm nhận về thời gian.
– Nhưng thời gian trở thành nỗi ám ảnh lớn, thường xuyên xuất hiện với tần số cao trong thơ Xuân Diệu.
2. “Thời gian trong thơ ông là cảm xúc, là thi hứng, là nhân tố kiến trúc tác phẩm nghệ thuật”
– Thời gian khơi nguồn hứng thú cảm nhận cuộc sống của thi sĩ.
– Thời gian chi phối nội dung, cả nghệ thuật trong thơ ông.
3. Thơ Xuân Diệu không chỉ cảm nhận thời gian đơn thuần, mà là cách nhìn, cách cảm cuộc sống, vũ trụ, cuộc đời, con người. Đó là “con-mắt-thời-gian”.
Các dấu hiệu trên góp phần tạo nên “chất Xuân Diệu” khác với “chất” (phong cách nghệ thuật) của các nhà thơ lãng mạn cùng thời.
B. CHỨNG MINH
1. Thời gian trong thơ Xuân Diệu
– Thơ Xuân Diệu hết sức nhạy cảm với thời khắc giao mùa và những bước chuyển dịch của thời gian (từ hạ sang thu, thậm chí tới đông ở bài Đây mùa thu tới, từ mùa xuân này sang mùa xuân khác trong bài Vội vàng).
– Thời gian gắn liền với sự sống, tình yêu, hạnh phúc và cũng gắn liền với sự phôi pha, tàn tạ, chia lìa…
Quan niệm thời gian vũ trụ là vô hạn, thời gian đời người là hữu hạn nên phát sinh hai khuynh hướng ứng xử: tận hưởng – vui say, nuối tiếc – hốt hoảng, sống hết mình (Vội vàng) – chán hết mình (Đây mùa thu tới).
Lối sống của Xuân Diệu trong thơ là lối sống mong bắt kịp thời gian, thắng được tốc độ của thời gian, tốc độ sống, cường độ sống (ôm sự sống, riết mây bay, say cánh bướm tình yêu, thâu trong cái hôn, cho chếnh choáng, đã đầy, no nê, cắn vào, xuân hồng…).
– Cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu không phải bằng lí trí mà chủ yếu bằng cảm xúc với tất cả giác quan tinh nhạy nhất, (nét u buồn của rặng liễu, màu sắc lá thu, gió rét, sương đêm, hoa lạnh… hay là mùi vị thời gian than thầm tiễn biệt, sông núi chia lìa, cảm giác hờn giận…).
2. Cả hai bài thơ Đây mùa thu tới và Vội vàng được kiến trúc theo mạch nghĩ về thời gian trôi mau
– Ở bài Đây mùa thu tới, mở đầu là rặng liễu u buồn – tiếp đó là tiếng kêu cấp báo hốt hoảng về sự chuyển mùa từ hạ sang thu: Đây mùa thu tới – mùa thu tới. Những ám ảnh về mùa thu thể hiện qua các khổ thơ sau, nỗi nghĩ ngợi sâu lắng của người thiếu nữ tựa cửa nhìn xa với trăm điều không nói hết của tâm trạng.
– Ở bài Vội vàng, mở đầu là một nỗi thảng thốt cửa thi sĩ, muốn tắt nắng, buộc gió, muốn kìm lại bước đi thời gian; tiếp đó là sự vùn vụt trôi qua của mùa xuân; rồi nỗi ám ảnh tàn phai, li biệt; lại cuống quýt tận hưởng xuân hiện tại, mùa xuân tuổi trẻ…
Cả hai bài thơ là nhận thức về thời gian, triết lí về thời gian, ứng xử với thời gian. Đó là chủ âm trong “bản giao hưởng” thơ Xuân Diệu, phong phú, đa dạng, nhất quán trong nhiều bài thơ của ông.
Leave a Reply