A. Mục tiêu:
– Học sinh biết quan sát đồ vật theo một trình tự hợp lí (từ bên ngoài đến bên trong, từ bao quát đến chi tiết).
– Nhận xét nhạy bén đặc điểm nổi bật hoặc đặc điểm phân biệt của đồ vật này với đồ vật khác.
– Ghi chép những điều quan sát được và lập được dàn ý cho bài văn miêu tả đồ vật đang quan sát.
B. Nội dung
I) Quan sát một đồ chơi em thích và ghi lại những điều quan sát được.
Hướng dẫn học sinh quan sát:
– Các em dùng mắt để nhìn: hình dáng, màu sắc, kích thước của món đồ chơi. Quan sát từng bộ phận từ bên ngoài đến bên trong, bên trên đến bên dưới.
– Dùng tay để xem xét độ mềm của chất liệu làm nên đồ chơi.
– Dùng mũi đề đánh giá hương liệu được tẩm trong đồ chơi (nếu có).
– Chú ý đặc điểm riêng nổi bật của món đồ chơi.
II. Ghi nhớ:
1. Muốn miêu tả một đồ vật, trước hết phải quan sát đồ vật đó.
2. Quan sát đồ vật cần tả theo một trình tự hợp lí, bằng nhiều cách khác nhau (mắt nhìn, tai nghe, tay sờ…).
3. Cần chú ý phát hiện những đặc điểm riêng phân biệt đồ vật này với đồ vật khác.
III. Một số hình ảnh cụ thể của các đồ chơi:
1. Gấu bông:
a. Quan sát bao quát:
Chú gấu ngồi:
– Cao sáu mươi xen-ti-mét, to bằng gối ôm của em, màu nâu nhạt, được may bằng vải nỉ mịn. Mặt chú gấu bầu bĩnh dễ thương.
b. Quan sát từng bộ phận:
– Tai chú gấu làm bằng vải nhung đen tuyền, to bằng bàn tay em, khum khum úp tròn trên hai bên đỉnh đầu trông rất ngộ nghĩnh.
– Mắt chú gấu là hai mảnh nhựa đen bóng loáng, có vân điểm tròn, nom sinh động như mắt chú gấu thật.
– Mõm chú gấu là một gù tròn bằng nỉ, màu sô-cô-la. Lòng bàn tay, bàn chân của chú gấu may bằng vải nỉ màu hồng kem dâu, bụ bẫm, mập mạp.
– Chú gấu đưa hai tay về phía trước như muốn được bế (hoặc em chui đầu vào hai tay chú gấu để được chú ôm em).
– Bụng chú gấu tròn trĩnh.
– Chú gấu mặc một cái quần có dây đeo hai bên vai rất xinh xắn.
2. Búp bê:
a. Quan sát bao quát:
– Đó là một em bé búp bê bằng nhựa dẻo, màu hồng da. chỉ cao hơn quyển sách giáo khoa dựng đứng một tí. Búp bê to bằng cái gối ôm của em bé sơ sinh.
b. Quan sát chi tiết:
– Đầu búp bê tròn trịa, tóc nó vàng hoe, buộc thành hai lọn loăn xoăn thăt nơ xanh.
– Nổi bật trên khuôn mặt phúng phính tô hồng là đôi mắt tròn xoe màu nâu thẫm. hàng mi dài cong vút màu đen thẫm. Mắt búp bô khép lại như ngủ khi đặt búp bê nằm xuống.
– Đôi môi búp bê hồng chúm chím cười. Trông búp bê tươi tắn, vui vẻ, hài lòng lắm.
– Búp bê mặc một cái áo đầm voan ren nhún bèo màu trắng, xòe rộng nhiều tầng. Cài áo đầm ngắn để lộ chân búp bê bụ bẫm, hồng hồng, đi đôi tát ren trắng nổi bật trên đôi giầy đen làm bằng mủ cao su bóng lộn.
– Đôi tay búp bê hồng nhạt, bàn tay xòe năm ngón tròn trĩnh, đưa lên như đòi bế.
– Tay và chân búp bê có thể cử động được nhưng em phải giúp nó bằng cách xoay chân cho búp bê có thể ngồi hoặc đứng.
3) Rô-bốt chiến dấu:
a. Quan sát bao quát:
– Chiến sĩ rô-bốt của em oai vệ với chiều cao năm mươi xăng-ti-mét, ngực và vai nở rộng với nhiều huân chương và màn hình điện tử gắn nồi. Cả thân hình rô-bốt là một khối lắp ghép tinh xảo các mảnh nhựa nhiều màu bóng nhoáng.
b. Quan sát chi tiết:
– Đầu rô-bốt to bằng nắm tay em, đội mũ phi hành gia làm bằng nhựa trong suốt. Mắt rô-bốt có gắn đèn đện từ nhấp nháy màu vàng cam.
– Tay rô-bốt gập vuông mang một cái súng máy.
– Chân rô-bốt to, chắc chắn, đi giày đen gắn một ngôi sao màu bạc.
– Rô-bốt mặc áo giáp chiến đấu màu nhựa bạc già ánh kim nổi bật trên thân hình màu xanh biển đậm.
– Khi bật công tắc, rô-bốt tiến về phía trước, mắt nó sáng đèn và súng máy phun tia lửa đỏ. Nó tiến từng bước chắc chắn và phát tiếng kêu “chiu chiu” như tiếng súng máy.
4) Bộ lắp ghép hình:
a. Quan sát bao quát:
– Gồm một hộp mica hình chữ nhật đựng các khối lắp ghép đủ màu sắc và đủ hình dạng. Đi kèm các khối nhựa là một tập giấy hướng dẫn cách lắp các hình.
b. Quan sát chi tiết:
– Các khối lắp ghép gồm các khối hình tam giác, vuông, chữ nhật, tròn, bán nguyệt… được làm bằng nhựa cứng có thể gắn khít vào nhau.
– Các khối lắp ghép gồm các màu trắng, đỏ, xanh lá, xanh biển, cam và đen.
– Tập giấy hướng dẫn lắp ghép hình làm bằng giấy cứng, in màu các mô hình lắp ghép được đánh số thứ tự thao tác.
– Có thể lắp ghép các mô hình sau: nhà ngói, nhà tầng, công viên, nhà máy, xe lửa, tàu thủy…
IV. Luyện tập
Dựa theo kết quả quan sát của em, hãy lập dàn ý cho bài văn miêu tả đồ chơi mà em đã chọn.
Đề bài: Lập dàn ý cho bài văn miêu tả búp bê lật đật.
Dàn ý chi tiết:
1) Mở bài:
– Giới thiệu đồ chơi: búp bê lật đật.
– Em có búp bê lật đật vào dịp nào? (có từ lâu, dịp sinh nhật, dịp Tết…); Do ai tặng? (mẹ, bố. bạn…).
2) Thân bài:
a. Tả bao quát:
Búp bê lật đật làm bằng nhựa cứng, màu hồng, bóng loáng. Đó là hai hình cậu bé và lớn chồng khít lên nhau trang điểm theo hình dáng búp bê.
b. Tả chi tiết:
– Đầu búp bê lật đật: hình khối tròn nhỏ vẽ mái tóc đen, choàng khăn đỏ. Mặt búp bê rất xinh, mắt đen láy như mắt bồ câu, môi hồng chúm chím, má phớt phấn hồng. Những lọn tóc đen lòa xòa trên khuôn trán rộng.
– Mình búp bê lật đật: hình khối tròn lớn vẽ hai tay mặc áo màu cam, chiếc quần có dây đeo lên vai màu xanh lá sen.
– Bụng búp bê lật đật có chuông, khi búp bê dao động, tiếng chuông reo lên leng keng nghe rất vui tai.
– Em chơi búp bê lật đật như thế nào?
Búp bê lật đật không có chân, mình nó là khối tròn, khi em để đứng, nó dao động theo vòng cung tạo tiếng chuông leng keng rất vui.
– Em giữ gìn búp bê lật đật ra sao?
Lau sạch, cất búp bê vào tủ rất ngăn nắp, không ném mạnh, vứt lăn lóc búp bê lật đật.
3) Kết bài:
– Nêu ích lợi của việc chơi búp bê lật đật (giải trí thư giãn nhẹ nhàng, tiếng chuông reo vui vẻ, dao động của búp bê lật đật rèn cho em đức tính dũng cảm tự lực cánh sinh, khi vấp ngã biết tự mình đứng lên).
– Nêu tình cảm của em đối với búp bê (yêu quý như bạn, trò chuyện với búp bê như với em bé).
Leave a Reply