Giới thiệu các đặc điểm chung của tiểu thuyết, truyện ngắn và cách đọc hai thể loại văn học này.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Tiểu thuyết và truyện ngắn là hai thể thuộc loại tự sự bên cạnh hai thể loại văn học trữ tình và kịch.
– Tiểu thuyết và truyện ngắn có một số đặc điểm chung như tính khách quan trong sự phản ánh cốt truyện được tổ chức một cách nghệ thuật, nhân vật được miêu tả chi tiết, sống động, gắn với hoàn cảnh, phạm vi miêu tả không bị hạn chế về không gian và thời gian, ngôn ngữ linh hoạt, gắn với ngôn ngữ đời sống.
– Nắm vững các đặc điểm chung này để có được cách đọc tiểu thuyết và truyện ngắn đạt hiệu qua thẩm mĩ, cảm thụ cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật của hai thể loại văn học này.
II. THÂN BÀI
A. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN
1. Hình tượng nhân vật
Nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu của các thể loại này. Một tác phẩm hay tất phải có nhân vật sống động, sắc nét, có ý nghĩa sâu sắc.
Nhân vật thường biểu hiện qua các phương diện sau:
(1) Việc miêu tả ngoại hình, nội tâm, hành động, biến cố, ngôn ngữ của nhân vật nhằm thể hiện tính cách và số phận con người. Ngoại hình của nhân vật thường được giới thiệu trong tác phẩm.
(2) Mối quan hệ của các nhân vật, giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh. Các quan hệ này bộc lộ địa vị, tính cách và số phận của nhân vật. Chẳng hạn, quan hệ giữa Chí Phèo với bá Kiến, với Thị Nở, với dân làng Vũ Đại.
(3) Ý nghĩa của nhân vật trong tác phẩm. Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời. Do đó, phân tích tính cách nhân vật chưa phải là mục đích cuối cùng, mà còn phải tìm đến ý nghĩa sâu xa mà nhà văn gửi gắm trong đó.
2. Cốt truyện, chi tiết
Cốt truyện là hệ thống sự kiện (biến cố) xảy ra trong đời sống của nhân vật, có tác dụng bộc lộ tính cách, số phận nhân vật, Chi tiết là những biểu hiện cụ thể, lắm khi nhỏ nhặt, nhưng lại cho thấy tính cách nhân vật và diễn biến quan hệ của các nhân vật, đồng thời cũng thể hiện sự quan sát và nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Do đó, sự kiện và chi tiết rất quan trọng đối với nhân vật, vừa tạo ra sức hấp dẫn, thú vị vừa bộc lộ ý nghĩa chung.
3. Sự miêu tả hoàn cảnh
Hoàn cảnh là toàn bộ các quan hệ xã hội, điều kiện sống tạo thành nền tảng khách quan của đời sống nhân vật. Cho nền sự miêu tả hoàn cảnh có tác dụng biểu hiện địa vị, tâm tình nhân vật và gây hứng thú cho người đọc.
4. Kết cấu
Kết cấu là cách tổ chức tác phẩm. Kết cấu tiểu thuyết và truyện ngắn rất khác nhau.
– Tiểu thuyết là thể loại tự sự lớn (Tam quốc diễn nghĩa, Truyện Kiều, Số đỏ…) có nhiều nhân vật, nhiều tuyến truyện, cho nên có tổchức kết cấu sao cho tính cách, số phận và quan hệ của các nhân vật được thể hiện trong quá trình và bối cảnh rộng lớn.
– Truyện ngắn là thể loại tự sự nhỏ, nhân vật ít, sự việc ít, lại cần tổ chức kết cấu sao cho phù hợp với dung lượng. Tuy vậy, kết cấu của truyện ngắn vẫn có những điểm cần lưu ý. Một là phần mở đầu và phần kết thúc phải có sự phối hợp để tạo ra ý nghĩa của tác phẩm. Hai là sự lựa chọn và sắp xếp các chi tiết đời sống có tác dụng làm nổi bật ýnghĩa của tác phẩm. Ba là các chương, đoạn được sắp xếp có hiệu quả tạo sự đợi chờ, gây hứng thú cho người đọc.
5. Lời kể
Ngoài ngôn ngữ nhân vật như đã nói trên, cần phân tích lời kể trong tiểu thuyết và truyện ngắn.
– Cách dùng từ ngữ trong xưng hô, miêu tả có dụng ýnhư thế nào trong việc hướng dẫn người đọc cảm thụ tác phẩm.
– Ngôn ngữ trong truyện phải có tính mới mẻ, sáng tạo có cá tính của tác giả, phân biệt với ngôn ngữ sáo mòn, tẻ nhạt.
– Phong cách lời văn của tác giả thường có giọng điệu riêng, có cách khai thác vốn từ, tạo cách diễn đạt, miêu tả độc đáo.
B. CÁCH ĐỌC TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN
1. Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác đề có cơ sở cảm nhận các tầng nội dung và ý nghĩa của truyện.
2. Phân tích diễn biến của cốt truyện qua các phần mở đầu, vận động, kết thúc với các tình tiết, sự kiện, biến cố cụ thể. cần làm rõ giá trị của các yếu tố đó trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống và khắc họa bản chất, tính cách các nhân vật. Chú ý tới nghệ thuật tự sự: người kể chuyện là tác giả hay một nhân vật trong truyện, điểm nhìn trần thuật, cách sắp xếp các tình tiết, sự kiện, thủ pháp kể chuyện, miêu tả, giọng điệu, lời văn…
3. Phân tích các nhân vật trong dòng lưu chuyển của cốt truyện. Tập hợp thành hệ thống và làm rõ ý nghĩa của các chi tiết miêu tả nhân vật về ngoại hình, hành động, nội tâm, ngôn ngữ. Tìm hiểu mối quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh xung quanh. Chú ý tới nghệ thuật xây dựng nhân vật: sử dụng chi tiết, tạo tình huống để khám phá bản chất của nhân vật, cách thức miêu tả ngoại hình, hành động biểu hiện nội tâm…
4. Tìm hiểu xem truyện đặt ra vấn dề gì, có ý nghĩa tư tưởng như thế nào. Cũng có thể xác định giá trị của truyện ở các phương diện nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ.
5. Đọc kĩ lời kể của người kể chuyện, trong đó có nhiều thông tin về tình cảm, thái độ, khuynh hướng thẩm mĩ và phong cách của nhà văn.
C. VÍ DỤ
Tìm hiểu cốt truyện, nhân vật và lời kể trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
1. Cốt truyện
Hai đứa trẻ là truyện không có chuyện, các sự kiện rất ít (ngoài việc Liên và An đón đợi đoàn tàu đi qua trong đêm khuya). Nội dung tác phẩm chủ yếu được kết cấu theo những chuyển biến tâm trạng của hai đứa trẻ, nhất là qua tâm trạng cô bé Liên. Có thể coi Hai đứa trê là truyện tầm tình, không có cốt truyện đặc biệt.
2. Nhân vật
Trong khung cảnh một buổi chiều tàn, một phiên chợ tàn, hiện lên những kiếp người tàn tạ, quẩn quanh. Những người kiếm sống ban ngày với phiên chợ gồm: những, người đi chợ, mấy đứa trẻ bới rác, chị em Liên. Những người kiếm sống ban đêm quanh góc chợ và sân ga xép gồm: mẹ còn chị Tí, bác Siêu bán phở, gia đình bác xẩm. Thấp thoáng sau những người ấy còn thấy một bà lão móm, một người cha mất việc… những kiếp người tàn tạ khác. Những nhân vật ấy, nhất là Liên và An, được khắc họa chủ yếu ở chiều sâu nội tâm với những biến đổi tinh vi của một nỗi buồn và niềm khát khao một cuộc sống đổi thay.
3. Lời kể
Lúc thì ở bên ngoài (Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ…), lúc lại nhập vào nhân vật (Liên thấy lòng buồn man mác…). Gắn với loại truyện tâm tình, lời kể có giọng điệu rất riêng biệt, độc đáo, lối kể chuyện thủ thỉ như tâm sự với người đọc, là một nét đặc sắc góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật của Thạch Lam.
III. KẾT BÀI
– Đọc tiểu thuyết và truyện ngắn thực chất là vận dụng phân tích tác phẩm theo các tiểu mục nêu trên để cảm thụ được tác phẩm.
– Tuy nhiên trong thực tế, một tác phẩm cụ thể thuộc một thể nhất định chỉ được thể hiện ở một số đặc điểm, do đó có khi không cần thiết phải vận dụng tất cả đặc điềm vào việc đọc.
Leave a Reply