A- MỞ BÀI
Thơ Xuân Diệu bao giờ cũng “say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt”. Cái động thái này đã biểu hiện ở trong Đây mùa thu tới như một phản đề, như một phiên âm bản thì bài thơ Vộivàng là dương bản, hết sức đặc trưng, là một bản tự bạch của Xuân Diệu. Bài thơ này cho thấy thi sĩ rất hiểu mình, cho thấy một quan niệm nhân sinh và thẩm mĩ rất tiến bộ và tích cực.
B- THÂN BÀI
(1) Vẻ đẹp thiên đường trần thế
Trước hết, bài thơ Vội vàng qua đôi mắt của Xuân Diệu cho ta thấy cõi đời trên trần thế có vẻ đẹp thiên đường. Hoài Thanh thật tinh tế khi nhận xét: “Với Thế Lữ, thi nhân còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đổi cảnh Bồng lai và xua ai nấy về hạ giới”.
Từ xưa, trí tưởng tượng của con người đã tạo nên một xứ Bồng lai tiên cảnh. Đó là những giấc mơ để xoa dịu, để an ủi cuộc sống hiện tại của mình. Ngay cùng thời với Xuân Diệu, Thế Lữ đã có những giấc mộng tiên như thế. Cảnh sắc ồ đây thật huyền ảo.
Trời cao xanh ngắt ô kìa
Hai con hạc trắng bay về bồng lai
Xuân Diệu thì không thế! Ông nhìn thấy và muốn cho mọi người thấy, thậm chí còn lôi kéo chúng ta vào thiên đường trần thế. Thiên đường ấy trong tầm với của những người bình thường, Nó mang vẻ đẹp ngồn ngộn sức sống. Chỉ cần một bí quyết. Ấy chính là “sống toàn tâm, toàn ý, toàn hồn” và hãy đánh thức dậy tất cả những giác quan của mình.
Đọc đoạn thơ sau:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì.
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Ta cứ ngỡ ngàng như đang lạc vào vườn địa đàng. Trong khu vườn ấy, người thi sĩ đang dâng hiến một cách hào phóng tất cả những báu vật đem đến cho ta chuếnh choáng say mê cuộc sống.
Điệp từ “Này đây” không chỉ là mời, không chỉ là dâng hiến, không chỉ là liệt kê tài sản vô giá của thiên nhiên mà có lẽ nó đã ngấm vào người đọc một nhịp điệu thúc giục vội vàng. Nó khuyên người ta đừng quá mất thời gian khi ngắm nhìn vườn địa đàng trần thế.
Mỗi bước đi khi ta lạc vào trong đó đều như ùn ùn mở ra những điều mới lạ khiến ta càng say mê đắm đuối. Những hình ảnh ở trong vườn địa đàng này nó có sắc “hoa đồng nội xanh rì”, có vị trí dành cho “ong bướm tuần tháng mật”. Nó có hình có khối như những sợi tơ duyên “lá của cành tơ phơ phất”. Dường như ở đây xuất hiện khúc nhạc vui khiến người ta đi vào cõi si mê của tình ái “Của yến anh này đây khúc tình si”. Thiên nhiên rất rộng rãi nhưng không rối. Nó là cái nền để cho con người thực sự tạo nên và sống ở cõi thiên đường.
Và này đây…
Tháng giêng…
Bốn câu thơ đã liên tục nhắc lại nhiều lần từ “của”. Nó nói về quyền sở hữu tuần tháng mật, sở hữu hoa, sở hữu lá, và cả khúc tình si… Chủ thể sở hữu là hết sức riêng tư. Đó là ong bướm, là hoa, là lá và cả chim yến, chim anh. Thủ pháp này ở đây có sự đan xen. Bắt đầu là ong bướm, sau đó là hoa cỏ, lá cành và khép lại là khúc hát của yến anh trong bản nhạc tình si mê đắm đuối.
Như vậy, ta lại bắt gặp nét phong cách sôi nổi rất Xuân Diệu. Mọi sự vật đi vào thơ ông bao giờ cũng ở trong trạng thái nôn nao, náo nức, tăng cấp, phát triển.
Điệp khúc này đây của 1 và 4, câu 2 và 3 ở vị trí rất giống nhau. Nó đã đồng hóa, hòa âm được từng cặp đối xứng với nhau. Như vậy, trong tình ái quan niệm chung của Xuân Diệu luôn có quan hệ cặp đôi. Cụ thể ong bướm cặp đôi với nhau và có một sợi tơ duyên mơ hồ với yến anh ở câu sau… Tuy nhiên, này đây nó tạo nên phách điệu hết sức sôi nổi, linh động cho một bản nhạc là tâm ca của một trái tim róng riết yêu đời.
Hóa ra vẻ đẹp thiên đường trần thế là do chính con người tạo ra.
Ánh sáng từ rèm mi của giai nhân đã làm cho hoa lá, chim chóc tưng bừng, làm cho bình minh ló dạng để cho “mỗi buổi sáng thần Vui hằng gõ cửa”, để cho người ta cảm nhận tháng đầu tiên của mùa xuân “ngon như một cặp môi gần”. Một cảm giác khó nói thành lời. Nó nồng nàn say đắm nhưng rất thanh tân.
Thực ra cái thời gian tươi trẻ, cái vườn xuân địa đàng tuyệt vời mà Xuân Diệu miêu tả không phải bây giờ mới có. Nócó trước khi con người xuất hiện. Nó tồn tại khách quan ngoài ý chủ quan của con người. Tuy nhiên, người nghệ sĩ hơn người thường ở chỗ đã cho ta nhìn được cái đẹp đến hai lần trong thời gian không gian quanh ta. Chính đôi mắt xanh non của Xuân Diệu đã cung cấp một thời gian vốn già nua thành trẻ lại. Một đôi mắt với cái nhìn trẻ trung yêu đời. Nó ngơ ngác và vui sướng như lần đầu tiên trông thấy trời xanh hoa lá, cỏ cây. Với Xuân Diệu cái gì cũng mới lạ đẹp đẽ. Trần thế là cái thiên đường sắc hương, là mảnh vườn tình ái, là mâm tiệc với những thực đơn quyến rũ tinh thần. Nó như một người tình đầy khêu gợi. Xuân Diệu yêu thiên nhiên thực ra là tình tự với thiên nhiên. Ông hưởng thụ thiên nhiên như hưởng thụ ái tình.
Và với đam mê như vậy, Tố Hữu trong Từ ấy cũng bắt gặp khu vườn thiên nhiên nhờ ông phát hiện lí tưởng cộng sản.
Đời tôi là một vườn hoa lá
(2) Đẹp nhất là con người trên mặt đất, trong tuổi trẻ và trong tình yêu.
Khi xác định chuẩn mực thẩm mĩ, Xuân Diệu cho rằng cái đẹp nhất là con người trên mặt đất. Và con người chỉ có thể đẹp nhất, có ý nghĩa nhất khi sống với tuổi trẻ, với tình yêu.
Các nhà thơ xưa thường lấy khuôn mẫu, vẻ đẹp thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp. Vì thế con người chỉ có thể đẹp như thiên nhiên là tối ưu. Khi Nguyễn Du tả đôi mắt nàng Kiều “làn thu thủy nét xuân sơn” thì “thu thủy” và “xuân sơn” là chuẩn mực. Nhưng mắt giai nhân chỉ đẹp đến mức như vậy. Với Xuân Diệu, định lí đã đảo ngược: Con người là chuẩn mực. Thế gian này đẹp nhất, diệu kì nhất là con người. Đẹp gấp bội phần lại là sức sống tuổi thanh xuân. Ở đây, con người rạng rỡ trong tình yêu và vì thế nó là tác phẩm tuyệt với nhất của tạo hóa.
Từ một quan niệm như thế trong bài thơ Xuân Diệu đã sáng tạo được hình ảnh thật độc đáo.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Những vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Khi hàng mi chớp mắt thì ánh sáng của một buổi bình minh gọithần Vui đến. Cả bình minh rực rỡ của vũ trụ được tỏa ra từ đôi mắt người thiếu nữ.
Câu thơ “Tháng giêng…” là một so sánh táo bạo. “Tháng giêng” là một khái niệm thời gian và chứa cả không gian mùa xuân. Nó chỉ có thể đầy khêu gợi khi so sánh với chuẩn mực con người. Đấy là cặp môi gần. Dĩ nhiên, con người cũng vô cùng đẹp đẽ trong tuổi xuân tình yêu. Một năm đẹp nhất là mùa xuân. Mùa xuân đẹp nhất là tháng giêng, mọi vật bừng lên sức sống tươi mới trẻ trung. Đặc biệt, thiên nhiên ấy lại được so sánh với chuẩn mực là vẻ đẹp của tình yêu.
(3) Phải sống có chất lượng với tuổi thanh xuân của mình.
Trần thế là thiên đường. Trong thiên đường đẹp nhất là con người. Vì thế Xuân Diệu khuyên nhủ chúng ta phải sống vội vàng, sống đã đầy, sống có chất lượng nhất với tuổi thanh xuân của mình. Đây là giải pháp để hưởng thụ chính đáng hạnh phúc vốn ngắn ngủi của con người trên mặt đất. Xuân Diệu cho rằng cuộc sống tươi đẹp, nhưng tạo hóa sinh ra con người không để cho họ mãi mãi được hưởng niềm vui với trần thế. Câu thơ bị hẫng hụt chuyển sang một âm điệu bi thương bởi dấu chấm giữa dòng: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”. Thực ra ý niệm cuộc đời ngắn ngủi, tuổi xuân có hạn, thời gian trôi đi không bao giờ trở lại thì những giá trị hạnh phúc của cái đẹp sẽ tàn phai, sẽ chết là tất yếu. Đây là cảm thức có tính nhân loại. Lí Bạch nói: “Người xưa cầm đuốc chơi đêm”. Tô Thức tâm sự:
Canh khuya những sợ rồi hoa ngủ
Khêu ngọn đèn cao ngắm vẻ hồng
Nguyễn Trãi băn khoăn:
Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân
Nguyễn Gia Thiều thì thở dài tuyệt vọng:
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì.
Ngay cả bài thơ Vãn cảnh của Hồ Chí Minh cũng chuyển vận trong quỹ đạo ấy. Tuy nhiên khi cá nhân chưa tách khỏi cộng đồng, con người còn hòa tan trong vũ trụ, người tin có thuyết luân hồi thì cái chết chỉ là một sự bắt đầu của một quá trình. Văn học trung đại có thở than nhưng không phải ngậm ngùi. Nó vẫn có cái thích thảng ung dung tự tại.
Xuân Diệu ý thức mãnh liệt về cá nhân nên bao giờ cũng vội vàng cuống quýt. Ông nhìn thấy thời gian trôi chảy không ngừng cũng không là vĩnh viễn cho nên lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam mới có quan niệm này:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Xuân Diệu xác định xuân của vũ trụ có thể tuần hoàn nhưng xuân của đời người chỉ có một lần mà thôi, ông đã nồng nhiệt phủ định:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Nghĩ về tính hữu hạn của kiếp người. Xuân Diệu đã để lại một nỗi ngậm ngùi.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi.
Như vậy, trong nhận thức lí tính, Xuân Diệu cho ta thấy không có cách gì để tuần hoàn lại tuổi trẻ của đất trời. Vì thế ông khao khát tước đoạt quyền uy của tạo hóa. Tức là níu giữ thời gian, vô hiệu hóa sự vận động của thời gian.
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Nhưng đó là ảo giác cho nên chỉ còn một cách là sống vội vàng, tính sổ với cuộc đời mình từng giây từng phút.
Nhưng từ câu
Mau đi thôi! (…)
Cho no nêthanh sắc của thời tươi
Cảm xúc đã dào lên mãnh liệt, vồ vập, giọng điệu trở nên sôi nổi, bồng bột. Ta nghe tiếng dập gấp gáp của trái tim Xuân Diệu, những đợt sóng tình cảm như vồ chụp lấy người đọc, rủ rê người đọc cùng hành động. Nếu mở đầu, Xuân Diệu xưng tôi như là thách đấu với con Tạo vô hình mà nghiệt ngã thì ở phần sau, cái “tôi” ấy chuyển thành cái đau. Nghĩa là, Xuân Diệu đã giả định mình lôi kéo được “lực lượng”, khuyến dụ được mọi người chung quan niệm sống… cùng mọi người, săn tìm hạnh phúc vốn nhiều vô kể ở thời gian này.
Động từ “ta muốn” được lặp đi lặp lại một cách riết róng và đích đáng. Các động thái yêu thương mỗi lúc thêm mạnh mẽ, nồng nàn “ôm, riết, say, thâu, cắn”. Những động từ này vốn dĩ nó đã rất mạnh. Nhưng khi sắp xếp lại thành chuỗi thì những từ sau như được tiếp thêm năng lượng mới: nó nồng nàn, tha thiết, nó sôi nổi mãnh liệt hơn.
Người ta nói rất nhiều về tính luận đề của bài thơ Vội vàng. Ta dễ nhận thấy một hệ thống ý được lập luận theo tư duy logic. Nói cách khác cái tứ của bài thơ là yếu tố chính luận để tuyên ngôn về một lẽ sống vội vàng.
Có thể diễn đạt bài thơ ngắn gọn như sau “Tôi muốn tắt nắng, buộc gió bởi vì thiên đường trần thế rất hạnh phúc. Thế nhưng tôi thấy đời người, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Vì thế tôi cùng các bạn (ta) hãy sống chất lượng nhất cho cuộc sống. Muốn thế thì phải vội vàng”, tuy nhiên cái lí luận khô khan ấy rất dễ giết chết bài thơ. Vội vàng lôi cuốn người đọc bởi nhịp sống rất dồi dào mãnh liệt. Người đọc mê cái thiên đườngtrần thế mà Xuân Diệu miêu tả, trôi vào dòng chảy của triết lí sống gấp để tận hưởng những hạnh phúc mà mình đáng hưởng. Đó là triết lí sống lành mạnh.
C – KẾT BÀI
Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi người ta được hạnh phúc. Tuổi trẻ là trái xuân hạnh phúc, là rằm xuân tròn sáng. Hãy tận hưởng những gì ngọt ngào nhất của nó… Triết lí nhân bản sống vội vàng là con đường cũng như sự trả giá cho hạnh phúc. Triết lý ấy được nói bằng trái tim tuổi trẻ và ta hiểu vì sao ngay khi xuất hiện, Xuân Diệu đã được tuổi trẻ nồng nhiệt đón nhận.
Chỉ cần so sánh câu thơ mở đầu “Tháng giêng ngon…” và câu cuối “Hỡi xuân hồng”… ta sẽ thấy mạch thơ vận động nhất quán. Nhà thơ đã quan niệm: Sống không chỉ là ngắm bữa tiệc ngon lành trần thế, sống là hành động. “Tháng giêng” là trái xuân hồng nó không chỉ dùng để chưng bày cho ngon mắt. Theo Xuân Diệu, phải chiếm hữu lấy nó, phải uống nguồn xuân “dập cả môi”. Nói cách khác, mùa xuân ấy, hạnh phúc trần thế ấy là của mình, của “ta”. Do đó, ta hưởng để không bị thời gian làm cho thối rữa.
Leave a Reply