Bình giảng bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử:
Sao anh không vềchơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc .
Lá trúc che ngang mật chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
BÀI THAM KHẢO
Đời thơ Hàn Mặc Tử có đến mấy đoạn, Khi mới vào làng thơ, Hàn Mặc Tử làm thơ Đường luật có nội dung li sầu, yếm thế. Sau đó nhà thơ chuyển sang làm Thơ mới. Khi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo, tác giả lại làm những vần thơ thật đau thương, bế tắc, có khí đến điên loạn. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ có mặt trong tập Thơ Điên, tức tập thơ viết vào giai đoạn sau cùng, nhưng là tập thơ gần gũi với nhiều bài thơ hay trong thơ Gái quê trước đó nhưMùa xuân chín, Tình quê…
Đây thôn Vĩ Dạlà bài thơ hay, nhưng cho đến bây giờ, nó vẫn là bài thơ còn sức gợi ra nhiều cách suy cảm. Sử dĩ thế, vì cái hay của nó gắn bó với toàn bộ bài thơ từ âm điệu, câu chữ, hình ảnh, khó tách bạch với một nỗi buồn vừa rõ vừa không rõ.
Mở đầu là câu hỏi rất nhẹ nhàng, nhưng không cần sự trả lời, mà chính là để giới thiệu phong cảnh thôn Vĩ Dạ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Cảnh không đầy ắp, mà thưa, nhưng rất chọn lọc. Nhờ thế, tính “thần – hồn” của cảnh luôn có sức gợi. Cái sắc nắng chiếu tỏa trên hàng cau trong câu thơ là cái sắc nắng có khoảnh khắc thời gian nắng mới lên và chính trong khoảnh khắc này, mà tính chất “sáng trong” và cái “lực rọi” của ánh nắng đã làm sáng ra, ánh lên màu sắc của khu vườn: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Tả màu xanh của vườn như thế thật không kém gì Đường thi! Trong cái đẹp đẽ, sáng trong, tươi mát của không gian gần gũi ấy, xuất hiện một khuôn mặt chữ điền. Khuôn mặt không rõ đường nét, nhưng nó ứng với chữ đầu của khổ thơ: Sao anh… Vậy là có một bóng hình nào đó như đang ẩn hiện trong khung cảnh tưởng tượng của tác giả, mà hình ảnh lá trúc che ngang khuôn mặt… góp phần nói thêm điều này.
Trong khổ thơ thứ hai, cảnh được nói đến nhiều hơn, không gian được mở rộng hơn, nhưng thực ra cũng không hẳn là đặc trưng của cảnh thôn Vĩ Dạ. Nhưng chính cảnh tượng này lại gắn bó với cảm giác man mác, xa vắng, khó xác định đã chớm hiện từ khổ thơ đầu. Hình ảnh thuyền ai đậu bến sông trăng đã đẩy thêm cảm giác man mác, xa vắng vào thế giới bát ngát, mênh mông, làm ta thấy thêm cái chơ vơ của thuyền ai trong niềm mong đợi. Câu thơ cuối thì tình cảm đã hoàn toàn đưa về một miền tâm trạng nào đó: Có chở trăng về kịp tối nay? Miền tâm trạng nào cũng khó hiểu hết. Chỉ biết rằng đến đây, bài thơ tự nhiên mờ dần một không gian thôn Vĩ Dạ, để hiện dần lên một tâm trạng chờ mong — chờ mong một “lời hẹn”.
Nếu lời lẽ ở khổ thơ đầu dễ hiểu là của một người con gái thì lời lẽ ở khổ thơ cuối không phải của người con gái nữa, mà là của người con trai, của nhân vật trữ tình. Thoạt như vô lí. Mà bài thơ cũng còn nhiều chi tiết khác như vừa vô lí, vừa rời rạc, nhưng đọc kĩ, nó rất có lí và vô cùng gắn bó lẫn nhau.
Cái miền tâm trạng nói ở trên chính là sự hướng nội của tác giả. Từ đây mà tâm trạng mới có nỗi niềm ám ảnh:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Đến đây, không còn là sự “hiện dần” nỗi niềm tâm trạng nữa, mà lồ lộ một tình yêu đầy khao khát. Cái khao khát này lại cũng không rõ về nhân hình, nhân ảnh. Nó vừa như thực, lại vừa như mơ, khi ẩn khi hiện. Cái màu áo trắng của người con gái ở dây thật nghiệt ngã! Nó rõ ràng là thế, mà nhìn vẫn không ra!
Chính là nó đã choán toàn bộ tâm tưởng, cảm xúc của người nhìn. Tác giả như muốn cắt nghĩa thêm: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh; nhưng như thế là đã thấm thìa không ít cái “bất lực” đơn phương của mình. Cái thú vị là chính từ sương khói đã nói thay được tính chất của tình yêu này. Thật vậy tha thiết và khát khao đến thế, nhưng tình yêu ấy vẫn cứ xa xôi, làm sao có thể nói hết lòng mình? Nó còn đó, không bao giờ mất đi. Nhưng nó đã ở trong vòng tay mình chưa thì chưa tạt được bao giờ. Nó như sương khói mà thôi, cái sương khói thật buồn và thấm thía, nói không bao giờ hết được.
Hai khổ thơ trên đều có từ ai không xác định. Khổ cuối có hai từ ai trong câu cuối cùng lại là hai đại từ xác định. Đó là quan hệ của mối tình “chưa cụ thể” trong bài thơ. Cái “chưa cụ thể” chưa đạt nỗi khao khát này cũng chỉ làm cho tình yêu xa vắng thêm, vời vợi thêm và xót xa thêm. Nhưng cũng chính điều này đã tạo ra cái đặc sắc của cảm xúc trong bài thơ.
Như vậy, từ bài thơ cảnh quê đã dần dần chuyển thành bài thơ tình yêu – một loại tình yêu chỉ biết tự lắng nghe, cảm nhận đơn phương, nhưng luôn luôn có thực.
“Bài thơ trong sáng. Đọc một lần ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của nó, nhưng dù phân tích đến đâu, vẻ đẹp ấy vẫn là một bí ẩn. Bài thơ tươi sáng mà buồn. Nỗi buồn rất trong và thấm thía”.
Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử thật đẹp nhưng lại thấm đượm nỗi buồn da diết, bâng khuâng của nhà thơ. Anh (chị) hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ điều đó.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Hàn Mặc Tử là một hồn thơ mãnh liệt và có sức sáng tạo đặc biệt nhưng luôn luôn quằn quại đau đớn. Ông là tác giả tiêu biểu cho “trường phái thơ loạn” xa lạ với đời thực. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử cũng có những bài thơ thật tuyệt mĩ và trong trẻo lạ thường viết về thiên nhiên, đất nước và con người như Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín…
– Cũng như các nhà thơ mới khác, thơ Hàn Mặc Tử thể hiện niềm khao khát cuộc sống, tình yêu và nỗi buồn với nhiều cung bậc, sắc thái khác nhau. Căn bệnh hiểm nghèo và sự thất vọng trong tình yêu cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên âm hưởng buồn trong thơ ông.
– Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ Điên. Lúc này ông đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy bài thơ là một bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế nhưng cũng thấm đẫm nỗi buồn da diết bâng khuâng.
II. THÂN BÀI .
A. VƯỜN CÂY XỨ HUẾ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
– Cảnh vườn thôn Vĩ Dạ lúc hừng đông và tâm trạng nuối tiếc, đượm buồn có pha chút ân hận.
Câu hỏi Sao anh không về chơi thôn Vĩ? là một lời trách móc thân tình. Nhưng cũng có thể là câu tự vấn của chính bản thân. Câu hỏi mang tính chất giãi bày thể hiện sự nuôi tiếc: nhân vật trữ tình đã tự trách mình sao lại không về chơi thôn Vĩ. Giọng thơ đượm buồn có pha chút ân hận.
– Cảnh vườn cây đẹp trong nắng ban mai: Cành lá mơn mởn, ướt đẫm sương đêm, ánh lên như ngọc. Tác giả miêu tả trực tiếp, qua những hình ảnh cụ thể, sinh động:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
– Con người xuất hiện:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Điều đó khiến thiên nhiên bỗng trở nên sinh động hẳn lên. Thiên nhiên như dược thổi thêm một luồng sinh khí, tạo nên nét đẹp hài hòa trong giá trị tạo hình. Ở đây, câu thơ vừa như miêu tả khuôn mặt chữ điền vuông vức đầy đặn, ẩn chứa bên trong cái bản chất hiền lành đã bị lá trúc trong vườn che khuất (cảnh thực), vừa như nói đến một trở lực ngăn cách tình người.
B. SÔNG, NƯỚC, MÂY TRỜI XỨ HUẾ
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
– Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây cũng thật là đẹp, nhất là cảnh một dòng sông đẫm ánh trăng và con thuyền cũng đầy ắp ánh trăng. Nhưng tất cả đều thấm đẫm một nỗi buồn. Cách miêu tả thể hiện trạng thái mộng ảo của tâm hồn nhà thơ. Nếu như ở khổ thơ đầu, nỗi buồn chỉ lộ rõ ở câu một thì ở khổ này, dường như nỗi buồn giăng trải ra khắp cả khổ thơ.
– Gió theo lối gió, mây đường mây: Câu thơ như xẻ ra làm hai, diễn tả sự phân cách, li tán của thiên nhiên nhưng lại như gợi ra sự chia li của lòng người, như lưỡi dao rạch vào nỗi đau của thân phận kẻ bị chia lìa.
– Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay: Cái buồn của thi nhân đã lan trải ra khắp không gian, Buồn thiu như đẩy nỗi buồn lên đến tột đỉnh.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Ánh trăng huyền ảo tràn đầy vũ trụ, tạo nên không khí hư ảo. Tâm trạng mộng ảo của thi nhân dường như đã cảm nhận được tất cả: sông trăng, bến trăng, thuyền chở trăng. Tâm trạng nhà thơ rất đơn côi, dang khao khát được ai đó chia sẻ, tâm sự. Có chở trăng về kịp tối nay là một câu hỏi dường như khắc khoải bồn chồn, vừa như phấp phỏng, hi vọng chờ đợi một cái gì đang rời đi, chẳng biết khi nào quay trở lại.
C. THIẾU NỮ XỨ HUẾ
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
– Vẫn tiếp tục nối mạch thơ khổ hai, đoạn thơ thể hiện nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong không gian bao la của trời mây sống nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là hi vọng, chờ đợi, mong mỏi và nỗi khắc khoải không nguôi, vẫn là trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều như là hư hư, thực thực. Đối với thi nhân tất cả chỉ là sự cảm nhận.
Nhà thơ mơ thấy một khách đường xa, cảm nhận rõ một bóng hình người con gái của Huế thơ mộng nhưng không thể nào nắm bắt được:
Áo em trắng quá nhìn không ra
Sự hụt hẫng lên cao độ: tất cả như sượng khói, nhuốm màu hư ảo:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Bóng hình của giai nhân mờ ảo trong sương, nhưng cũng có thể đó là ẩn ý của người viết. Phải chăng đây là biểu tượng của cái “không đi đến đâu” trong tình yêu của Hàn Mặc Tử.
Ai biết tình ai có đậm đà?
Một câu hỏi không rõ ngôi thứ, không cần trả lời. Đây là một tâm trạng: mong mỏi, khao khát bao nhiêu thì sự day dứt, buồn đau cũng tăng lên bấy nhiêu. Và đằng sau nỗi niềm ấy của thi nhân là một khát vọng mạnh mẽ về cuộc sống đầy tình yêu mến hơn, hoàn thiện hơn.
III. KẾT BÀI
Bài thơ thể hiện một tâm trạng rất thật của nhà thơ. Những chi tiết, hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật, cấu tứ của bài thơ đều được Hàn Mặc Tử chuyên chở bằng chính tình cảm của mình, nên người ta đọc không có cảm giác gượng ép. Đây là một lí do khiến bài thơ sống mãi trong lòng người đọc bao thế hệ.
Phân tích tâm trạng, của Hàn Mặc Tử qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.
BÀI LÀM
Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân xếp Hàn Mặc Tử vào nhóm thơ “kì dị” cùng với Chế Lan Viên. Đọc thơ Hàn Mặc Tử, nhiều bài quả là kì dị. Ông đã tạo ra cho mình “một thế giới nghệ thuật điên loạn, ma quái, xa lạ với đời thực”.
Tuy vậy, bên cạnh những vần thơ điên loạn, thi sĩ nhiều khi lại sáng tạo nên những hình ảnh tuyệt kĩ và hồn nhiên, trong trẻo lạ thường. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ như thế. Đọc bài thơ, ta thấy được một phương diện rất đẹp của tâm hồn nhà thơ.
Có tài liệu cho rằng bài thơ được gợi hứng từ bức ảnh phong cảnh Huế cùng mấy lời thăm hỏi của Hoàng Cúc, người con gái thôn Vĩ Dạ xứ Huế, cũng là người mà Hàn Mặc Tử đã thầm yêu trộm nhớ ngày xưa. Vì thế bài thơ vừa làm sống dậy những kỉ niệm về Huế mộng và thơ, vừa thể hiện được tâm trạng buồn bã vô vọng, chập chờn, lãng đãng như sương, như khói.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Câu thơ mở dầu này vừa như một câu hỏi, vừa như một lời mời gọi, trong đó hàm chứa cá sự ngạc nhiên lẫn niềm nuối tiếc. Cảnh Vĩ Dạ đẹp thế, hấp dẫn là vậy sao anh không về?
Cảnh thiên nhiên tươi đẹp thôn Vĩ Dạ hiện lên qua một vài nét vẽ thoáng nhẹ, nhưng lại đầy ấn tượng. Cái ấn tượng vốn đã ăn sâu đậm trong tâm hồn nhà thơ về xứ Huế. Cảnh vật ở đây dường như được sàng lọc qua tâm trí nhà thơ, chỉ giữ lại những đường nét tiêu biểu nhất. Một buổi sáng ở thôn Vĩ, ánh nắng chiếu sáng lấp loáng những hàng cau còn ướt đẫm sương đêm. Hàng cau hiện lên trong một khoảnh khắc đặc biệt, gắn liền vái cái ánh nắng mới lên trong trẻo, tinh khôi, cụ thể và gợi cảm.
Tả cảnh vườn cây tươi mát, sum suê, Hàn Mặc Tử chỉ tập trung làm nổi bật cái mướt xanh của lá: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Cảnh vật ấy như sinh động hẳn lên khi thấp thoáng xuất hiện bóng người, một khuôn mặt kín đáo, phúc hậu, dịu dàng:
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Thiên nhiên và con người rất hài hòa, gợi lên cái thần thái, cái hồn của Vĩ Dạ, một Vĩ Dạ vốn thơ mộng, vì có “nàng” ở đó, trong những vườn tược, nên lại càng thơ mộng hơn đâu hết.
Ở khổ thơ thứ hai, tâm trạng nhà thơ như chuyển hẳn sang một gam khác. Nếu như ở khổ thơ đầu, một Vĩ Dạ với cảnh vật tươi sáng trong trẻo lạ thường thì đến khổ thơ này, một nỗi buồn đã bao phủ lên tất cả. Sự chuyển biến đột ngột từ vui sang buồn như thế khá phổ biến trong Thơ mới và văn chương lãng mạn nói chung:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Phải chăng Huế ở khổ thơ đầu là Huế trong kí ức đẹp ngày xưa, còn Huế ở khổ thơ thứ hai là Huế trong tâm trạng của nhà thơ khi trở về hiện tại. Thôn Vĩ Dạ hiện lên vẫn thơ mộng với gió, trăng, mây nước, thuyền bến và hoa bắp lay. Nhưng tất cả đều nhuốm một nỗi buồn. Tâm trạng của người buồn nhìn đâu cũng thấy chia lìa và buồn bã:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Gió mây đã chia lìa đôi ngả, dường như chẳng có quan hệ gì; dòng nước vốn chẳng biết vui buồn cũng trở nên buồn thiu. Hình ảnh hoa bắp lay gợi một nỗi buồn hiu hắt. Một nỗi buồn bao phủ từ bầu trời đến mặt đất, từ gió, mây đến dòng nước và hoa bắp bên sông. Đằng sau những cảnh vật ấy là một tâm trạng của một con người mang nặng một nỗi buồn xa cách, một mối tình vô vọng. Giờ đây tất cả chỉ còn trong cõi mộng cả cảnh vật cũng như tình người. Một không gian tràn ngập ánh trăng, một dòng sông trăng, một bến đò trăng, một con thuyền đầy trăng… Cảnh thật thơ mộng nhưng buồn mênh mang:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Nhà thơ như không còn sống với cảnh vật bên ngoài nữa, mà chìm đắm trong cõi lòng riêng của mình. Sông với cảnh mộng và với người trong mộng, Hàn Mặc Tử, ở khổ thơ cuối, như đối thoại trong mơ với một đối tượng hư ảo:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờnhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hình ảnh của cô gái thôn Vĩ ngày xưa chập chờn trong cõi mộng tạo cho nhà thơ một cảm giác bâng khuâng, ngơ ngẩn. Màu áo trắng của cô gái Huế trắng quá như lẫn vào sương khói. Sương khói của đất trời xứ Huế hay là sương khói của thời gian và không gian xa cách phủ lên một mối tình cũng thật xa vời.
Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi và kết thúc bằng một lời đáp lại. Nhưng lời đáp cũng là một câu hỏi. Phải ai biết tình ai có đậm đà để có thể trở về thăm thôn Vĩ?
Hàn Mặc Tử đã mất nhưng bài thơ thôn Vĩ vẫn còn đó. Bài thơ ấy đã vượt qua lớp sương khói của thời gian để bất tử hóa một mối tình tuyệt vọng nhưng rất đỗi thiết tha, trong sáng.
Nêu cảm nhận của anh (chị) về hai khổ thơ sau:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Tràng Giang – Huy Cận)
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Hàn Mặc Tử là nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới, có cuộc đời bi thương, hồn thơ phong phú, kì lạ, sức sáng tạo mạnh mẽ, luôn bộc lộ một tình yêu đau đớn hướng về trần thế. Đây thôn Vĩ Dạ là thi phẩm xuất sắc thể hiện tấm lòng thiết tha đến khắc khoải của nhà thơ với thiên nhiên và cuộc sống.
– Huy Cận là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới và thơ sau Cách mạng tháng Tám, hồn thơ đậm chất cổ điển, giàu suy tưởng, triết lí, nổi bật về cảm hứng thiên nhiên, tạo vật. Tràng giang là một bài thơ xuất sắc thể hiện nỗi buồn sầu trước tạo vật mênh mông, hoang vắng, đồng thời bày tỏ một lòng yêu nước kín đáo.
II. THÂN BÀI
A. KHỔ THƠ TRONG BÀI “ĐÂY THÔN VĨ DẠ”
1. Nội dung:
– Khung cảnh thiên nhiên trời mây – sông nước đang chuyển mình vào đêm trăng với những chia lìa, ly tán, chơ vơ; đượm vẻ huyền ảo và buồn hiu hắt.
– Hiện lên một cái tôi đang khát khao vượt thoát nỗi cô đơn, với niềm mong mỏi đầy phấp phỏng được gặp gỡ, sẻ chia, gắn bó.
2. Nghệ thuật
– Hình ảnh vừa thực vừa ảo, có tính tượng trưng, giàu sức gợi.
– Phối hợp tả cảnh ngụ tình vối trực tiếp biểu cảm; kết hợp biến đổi nhịp điệu với biện pháp trùng điệp; dùng cấu trúc đối lập, phép nhân hóa, câu hỏi tu từ…
B. KHỔTHƠ TRONG BÀI “TRÀNG GIANG”
1. Nội dung
– Bức tranh tràng giang vào lúc hoàng hôn tráng lệ mà rợn ngợp, với mây chiều chất ngất hùng vĩ, chim chiều nhỏ bé đơn côi.
– Hiện lên một cái tôi trong tâm trạng bơ vơ, lạc lõng của kẻ lữ thứ, chẳng cần cơn cớ trực tiếp mong ước đoàn tụ vẫn cứ dậy lên như sóng trong lòng.
2. Nghệ thuật
– Hình ảnh, ngôn từ, âm hưởng đậm chất cổ điển Đường thi.
– Kết hợp thủ pháp đối lập truyền thống với phép đảo ngữ hiện đại, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình.
C. SO SÁNH
1. Tương đồng
Cùng miêu tả bức tranh thiên nhiên trời — nước, qua đó bộc lộ nỗi buồn và tình yêu đối với tạo vật và cuộc sống; sử dụng thể thơ thất ngôn điêu luyện, kết hơp tả cảnh ngụ tình với trực tiếp biểu cảm.
2. Khác biệt
– Đoạn thơ trong Đây thôn Vĩ Dạ: là nỗi buồn của một người khát khao sống, thiết tha gắn bó với cõi đời nhưng tự cảm thấy mong manh, vô vọng; trôi về những thi liệu trực quan từ trải nghiệm của chính mình.
– Đoạn thơ trong Tràng giang: bộc lộ nỗi buồn rợn ngợp trước tạo vật mênh mông, hoang vắng cùng mặc cảm lạc loài của người đứng trên quê hương mà thấy thiếu quê hương; trội về những thi liệu cổ điển hấp thụ từ Đường thi.
III. KẾT BÀI
– Như Hoài Thanh đã nhận định trong Thi nhân Việt Nam: “Thực chưa bao giờ thơ Việt Nam buồn và xôn xao như thế”. Đây là nỗi buồn thi ca của một thế hệ thi nhân mất nước mang “cái tôi” cô đơn, bé nhỏ trước Cách mạng tháng Tám 1945, đã làm nên âm hưởng giọng điệu đặc trưng của thơ mới giai đoạn này.
– Ngoài ra, hai đoạn thơ của hai nhà thơ mới trên đã thể hiện phẩn nào tâm tình thiết tha với nền thơ ca dân tộc, tình yêu tiếng Việt đáng trân trọng.
Leave a Reply