Kết quả phân tích giấc mơ ở 1000 người trưởng thành và có trình độ văn hóa cấp hai trở lên cho thấy, họ thường mơ thấy một bộ phận nhà ở hay những công trình kiến trúc, những giấc mơ như thế chiếm 24% toàn bộ giấc mơ của họ; người lạ mặt xuất hiện trong mơ chiếm 43%, người quen và bạn bè chiếm 37%, thành viên trong gia đình và bà con thân thuộc v.v. chiếm 19%, nhân vật nổi tiếng chiếm 1%. Hoạt động giao tiếp xuất hiện nhiều trong mơ, tiếp đó là các hoạt động như ngồi, nhìn, giao tiếp, chơi trò, suy nghĩ, tranh cãi v.v. Theo kết quả nghiên cứu giấc mơ ở những người tinh thần khác thường cho thấy, khả năng nhớ lại giấc mơ ở những người mắc chứng thần kinh phân liệt khá thấp. Họ thường phủ nhận mình đã nằm mơ, hoặc có thừa nhận nhưng lại không thể nhớ được nội dung giấc mơ. Giấc mơ của họ thường là những hình ảnh độc lập, đơn điệu, bất động, nội dung nghèo nàn. Đa số nội dung liên quan đến những tổn hại, mâu thuẫn hay những hiểm nguy. Mơ thấy cái chết hay sắp giã từ cõi đời chiếm 57% toàn bộ giấc mơ của họ, thấy bị té ngã từ trên cao xuống chiếm 52%, bị truy đuổi 45%. Ở những phụ nữ mắc chứng bệnh trên, giấc mơ của họ thường là những cảnh khủng bố, mất khả năng kháng cự, thân thể thương tật; quan hệ giao tiếp xuất hiện trong mơ mang tính cố ý, giấc mơ của họ có đặc điểm khá thống nhất với những hành vi xuất phát từ nhân cách của họ lúc ban ngày, cho nên hành vi của những người mắc chứng tâm thần phân liệt có thể xem như một đặc tính của “Giấc mơ ban ngày”. Nhà tâm thần học Kramer đã tiến hành nghiên cứu trên những đối tượng nam giới mắc chứng tâm thần phân liệt. Kết quả cho thấy, nếu được điều trị và có chuyển biến tốt về sức khỏe, tính chất cố ý trong giấc mơ của họ cũng giảm thiểu rõ rệt, số lần xuất hiện hình ảnh những người lạ mặt cũng giảm nhiều. Theo kết quả nghiên cứu giấc mơ ở những người mắc chứng u uất cho thấy, những bệnh nhân đã trải qua quá trình trị liệu sẽ giảm hiện tượng u uất và tăng số lượng giấc mơ. Lúc đầu, giấc mơ của họ không phải là mộng phiền muộn hay bi quan, mà chỉ là mơ vui. Nhưng khi những giấc mơ vui đấy dần dần giảm đi hay biến mất, mộng phiền muộn lại bắt đầu tăng cao. Họ thường mơ thấy bị đuổi bắt, không người giúp, không hy vọng v.v.
Tại sao giấc mơ được quyết định bởi trạng thái tâm lý con người? Nói cho cùng,vẫn là kết quả do tiềm ý thức chi phối. Nếu ví lĩnh vực tâm linh chúng ta như một khu vườn, một khu vườn đêm khuya khoắt; ngoại trừ căn nhà sáng ánh đèn, thì tất cả vườn cây, hồ bơi, bãi cỏ và hòn non bộ đều chìm trong bóng đen; dưới ánh sáng lờ mờ của sao trời, chúng ta có thể thấy những sự vật nằm bên ngoài căn nhà, nhưng tất cả đều bị biến dạng; nhìn cây cối cứ tưởng gã quái nhân cao to đáng sợ, hồ bơi lại nhấp nháy thứ ánh sáng mơ hồ của làn nước bị gió dạt, động hòn non bộ càng thêm bí hiểm. Căn nhà có đèn chính là ý thức của chúng ta, còn những khu tối tăm là tiềm ý thức. Tiềm ý thức ảnh hưởng ngầm đến ý thức, giống như âm thanh xào xạc của gió rung cây sẽ vọng vào nhà, tiếng côn trùng rên rỉ trong bãi cỏ cũng theo gió đưa vào, rắn độc lại thi thoảng lò dò bò vào nhà. Con người đôi khi ngạc nhiên thốt lên: “Hôm nay tôi cứ thế nào ấy? Giận dữ chuyện vụn vặt chi đâu!” Bạn sẽ không thể tìm ra nguyên nhân từ ý thức, bởi các nguyên nhân đều nằm trong tiềm ý thức. Thậm chí, có người còn kêu ca: “Hôm nay sao tôi mệt mỏi thế này? Chẳng buồn mở miệng nữa là…” Trên thực tế, hôm đó anh ta rất giận vợ, nhưng lại không ý thức được điều đấy, sự giận dữ này đã biến thành cảm giác mệt mỏi. Mệt mỏi chỉ là cảm giác giả. Giận dữ mới là tâm trạng thật của anh ta.
Giấc mơ có thể biểu hiện tâm trạng thật và trạng thái tâm lý con người. Từ đó, tiến hành giải quyết những mâu thuẫn tâm lý, hóa giải tâm trạng tiêu cực, đưa ra sự lựa chọn rõ ràng chính xác, hướng con người tìm đến hạnh phúc.
Tuy nhiên, con người cũng thường hay gặp phải những cơn ác mộng khiến bản thân bị khủng hoảng cao độ, hay mơ thấy những giấc mơ kỳ quái khác. Điều này có liên quan mật thiết với trạng thái tâm lý.
Ví dụ, chàng trai nọ thường mơ thấy cảnh mình đang leo lên một cái thang cao ngất trời, hay đang bước chơi vơi trên không trung, hoặc nhảy qua phóng lại ở một nơi rất cao, theo kèm những giấc mộng đấy là một tâm trạng khủng hoảng.
Ban ngày, có thể cuộc sống của anh chàng rất ư tốt đẹp, thành tích học tập tuyệt vời, được thầy giáo quý trọng và bạn bè ngưỡng mộ, dường như chẳng âu lo hay sợ hãi điều gì.
Nhưng từ giấc mơ đấy có thể thấy rằng, anh ta đang bị bủa vây bởi nhiều nỗi sợ hãi, sợ không giữ vững được “Ngôi cao” , sợ không thận trọng làm thành tích tuột dốc.
Nếu quan sát tỉ mỉ, bạn sẽ phát hiện, những sợ hãi thầm kín đó cũng có thể xuất hiện trong cuộc sống thường ngày. Như biểu hiện mất ngủ, đau đầu, giảm trí nhớ, hay phiền muộn v.v.
Với một người như thế, tốt nhất hãy khuyên anh ta: “Điều quan trọng không phải là cố chiến thắng kẻ khác, cũng chẳng phải luôn chiếm giữ ngôi vị quán quân, mà hãy sống thật tốt. Bởi giá trị con người không nằm ở sự quý trọng của thầy giáo hay ở ánh mắt ngưỡng mộ từ bạn bè. Nếu bạn cứ nhất mực dựa trên cách nhìn của người khác để xây dựng giá trị bản thân, thì e rằng rất nguy hiểm. Bạn hãy thay thế lời khen của người khác bằng chính sự tự tin của mình, cũng như không cần cố ý duy trì “Ngôi cao”, chỉ cần bạn chú trọng phát triển bản thân và vui hưởng cuộc sống hạnh phúc.”
Ví như, một lúc nào đấy bổng dưng bạn phát hiện, đã từ lâu lắm mình đã không còn mơ thấy những khu vườn xinh đẹp. Ngược lại, chỉ mơ toàn cảnh các khu vui chơi ồn ào náo nhiệt, thấy mình đang dán mắt vào những trò chơi điện tử, cười hô hố khi điểm số ghi được ngày càng cao, hay mơ thấy cảnh từ dưới đất trèo lên cầu trượt v.v. Nếu giải mộng, có thể nói trong thời gian này, dường như bạn đã quá xem trọng chuyện công danh. Giờ đây, thế giới của bạn không còn là vườn hoa đẹp, mà đã biến thành trận chiến cạnh tranh khốc liệt. Bạn hãy điều chỉnh lại bản thân, chớ quá xem trọng thành tích bên ngoài.
Ví dụ, một học sinh cấp ba suốt ngày chỉ lo gạo bài đối phó chuyện thi cử. Một hôm, anh chàng bổng mơ thấy mình bị phẫu thuật bụng. Trời ạ! Lục phủ ngũ tạng bị lôi tuột cả ra ngoài, còn lại cái bụng rỗng không. Điều này cho thấy, nội tạng và sức sống của anh ta đã bị tổn hại nghiêm trọng. Anh chàng này tốt nhất cần nghỉ ngơi thích hợp, đồng thời nên tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, nếu không sẽ mắc phải bệnh. Nghe kể, một nhà văn lớn thời Hán từng mơ thấy mình bị mổ bụng, nội tạng trệ xuống đất, chẳng bao lâu sau ông mắc bệnh nặng qua đời.
Những ai thường mơ thấy cảnh chiến đấu, nghĩa là họ đang lâm vào tình trạng căng thẳng tột độ. Sự căng thẳng đấy có thể bắt nguồn từ tâm lý cạnh tranh, hay tâm lý ngại giao lưu với người khác. Người nằm mơ cần tìm cách loại bỏ trạng thái căng thẳng trong mình. Có thể tạm gác những mục tiêu cao xa, xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình hiện tại của bản thân, quyết tâm vứt bỏ tính hiếu thắng quá mức trong mình. Đồng thời, cũng đừng quên thay đổi cách thức tiếp xúc với người khác.
Giấc mơ của con người muôn hình vạn trạng. Tất nhiên, bạn không cần thay đổi tất cả chỉ vì một giấc mơ lạ, nhưng bạn cũng chớ xem thường chúng. Nhận thấy tác dụng hữu ích của giấc mơ trong một vài giai đoạn quan trọng của cuộc đời, tìm ra những điều có thể bản thân còn chưa nghĩ đến, đấy mới là mục đích của giấc mơ.
Chúng ta nên duy trì tâm thái tích cực, đề cao chí hướng, vứt bỏ tâm trạng căng thẳng và nuôi dưỡng một tinh thần khỏe mạnh. Khi đấy, bạn sẽ có giấc ngủ yên bình và mơ thấy một giấc mơ đẹp.
Leave a Reply