Hãy giải thích câu nói: Sức khỏe là của cải quý nhất trên đời mà chỉ khi nào mất đi ta mới thấy nhớ tiếc.
Bài làm
Sức khỏe là một trạng thái về thể chất của một con người khỏe mạnh, không bị đau yếu. Khi có nó, ta không cảm thấy nó là quý giá nhưng khi ta mất nó, tức là khi ta bị bệnh tật dày vò, ta không còn lành mạnh như trước, ta mới nhận thấy một cách thấm thìa và đủ đầy rằng sức khỏe còn hơn tiền bạc, danh vọng mà không có thể lực vật chất, tinh thần nào bằng nó được và chỉ khi đó, ta mới hốitiếc rằng tại sao mình lại có thể đánh mất hoặc bằng lí do này, lí do khác một của cải to lớn nhất trên đời. Hãy trông chàng trai trẻ kia bên hàng xóm, thân hình vạm vỡ, thể xác căng tràn nhựa sống, chân tay tưởng chừng như của một lực sĩ sắp ra đấu trường; quả thực là một pho tượng sống. Nhưng sau một thời gian ngắn, mải vui chơi với bè bạn, thức trắng những đêm dài để đắm say theo chén rượu, cuộc bài, chàng trai trở thành một cái xác không hồn, thân hình tiều tụy, mắt hốc hác, chân tay biến đi các bắp thịt tròn mà chỉ còn một lớp da bọc một mớ thịt tong teo. Chàng ta nằm lừ đừ suốt ngày để mà nghiền ngẫm về của cải quí giá của mình vừa đánh mất: sức khỏe. Chàng ta hối tiếc thời kì đẹp đẽ nào mà mình còn là một bức tượng đồng với niềm vui sống lành mạnh vô biên! Và khi ngồi ủ rũ với tâm thần mệt mỏi, với thể xác yếu đuối của mình, chính lúc đó chàng ta mới cảm thấy mình đã quá dại khờ.
Những điều nói trên tỏ rõ sự quan trọng lớn lao của sức khỏe trong cuộc đời của chúng ta. Khi chúng ta mạnh khỏe, cuộc đời thực vô cùng tươi vui và mọi công cuộc dù to lớn đến đâu ta cũng sẽ dễ dàng thực hiện.
Khi đau yếu, cuộc sống sẽ đen tối và buồn nản, một công việc dù nhẹ nhàng đến đâu đốivới ta cũng trở nên khó khăn, đầy mệt nhọc. Có điều mỉa mai hơn nữa, là khi mình còn có sức khỏe, mình không cảm thấy nó quý giá và khi đánh mất nó, ta mới tiếc nhớ nhưng đã muộn màng rồi!
Lời nói trên không chút nào văn hóa, bóng bẩy mà chứa đầy một sự thật hiển nhiên.
Đối với mọi người sông trong xã hội hiện tại, thì giờ là vàng bạc, tốc độ là quyết định, sức mạnh vật chất giúp chúng ta có một cuộc sống sung túc hơn và giúp ta vượt qua những sương gió, nắng mưa, đầy bất trắc của cuộc đời, những tai ương có thể xảy đến bất thình lình cho bất cứ một ai. Sự nghèo khổ do thiên tai, hạn hán, lụt lội là những bất ngờ trong đời sống. Có sức khỏe ta sẽ đối phó đầy hiệu quả với những khó khăn đó.
Ta hãy xem một người luôn luôn vui vẻ, lịch thiệp, ưa kết giao với mọi người dễ gây cảm tình với tất cả chỉ vì họ tràn đầysức khỏe và tự tin.
Về phương diện tinh thần và đạo đức, người có sức khỏe có thể có nhiều thuận lợi quyết định sự thành công của mọi việc. Trí thông minh của họ dễ dàng phát triển, trí óc sáng suốt thêm, sự suy luận mau lẹ và đúng đắn.
Tây phương có câu: “Khi thân hình ta yếu đuối, thì nó điều khiển ta nhưng khi ta khỏe mạnh, nó sẵn sàng vâng lời ta”.
Tâm hồn của một con người tráng kiện trở nên cao thượng vì ta sẵn sàng tiêu diệt những tư tưởng đen tối, những ác ý. Lòng yêu thương đồng loại, khả năng lương thiện sẽ phát triển đủ đầy. Bao nhiêu đức tính, tưởng chừng không có gì tương quan với sức lực thể chất của ta nhưng phân tích kĩ, chúng ta thấy kết quả tất nhiên của một sức mạnh tốt đẹp. Chẳng thế mà người ta đã nói: “Một tâm hồn lành mạnh trong một thể chất tráng kiện” đó sao. Sức khỏe làm phát sinh ở ta chí khí hào hùng, sự tự tin, sự can trường, lòng dũng khí, hăng say làm việc và chiến đấu.
Đúng vậy, lúc ta còn có sức khỏe tràn đầy, ta không thấy rõ tác dụng của nó và ta dễ dàng phung phí, như tiền bạc cầm trên tay. Thức trọn đêm, vui chơi với bè bạn, mải mê ăn nhậu chơi bời từ ngày này sang ngày khác có biết đâu rằng sau cuộc vui chơi vô bổ ấy, là một sự trông rỗng của tâm hồn. Thể xác giày vò, thân hình tiều tụy, đầu óc lừ đừ, tôi tăm. Ta vẫn nghe nhiều người than thở: “Nay tôi đau yếu tôi mới biết rằng trước kia, khi mình có đủ sức khỏe là một niềm hạnh phúc vô biên!” Và rồi họ thèm: “Thực không làm sao tìm lại được sự mạnh mẽ vui sống thuở trước!”.
Rõ ràng sức khỏe là của cải quý nhất trên đời chỉ khi mất nó ta mới thấy nuối tiếc.
Leave a Reply