Giới thiệu những đặc điểm của văn bản văn học.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI .
Văn bản văn học là một dạng văn bản nghệ thuật, thể hiện khả năng sáng tạo nghệ thuật kì diệu của con người, mang đến cho con người một món ăn tinh thần vô giá, làm giàu đời sống tâm hồn, tình cảm của con người.
II. THÂN BÀI
A. KHÁI NIỆM VỀVĂN BẢN VĂN HỌC
1. Theo nghĩa rộng, văn bản văn học chỉ tất cả các văn bản sử dụng ngôn từ một cách có nghệ thuật (tất cả những- văn bản như thơ, truyện, kịch, hịch, cáo, chiếu, biểu… đều được coi là văn bản văn học).
2. Theo nghĩa hẹp, văn bản văn học chỉ bao gồm các sáng tác có hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng hư cấu (như sử thi, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, thơ…).
3. Cần phân biệt khái niệm văn bản văn học và tác phẩm văn học (văn bản văn học là sự hiện diện của ngôn từ, là phương diện kí hiệu của tác phẩm. Chỉ thông qua hoạt động đọc của người đọc, văn bản văn học mới trở thành khách thể thẩm mĩ, thành tác phẩm văn học. Điều đó có nghĩa là tác phẩm văn học, ngoài phần văn bản còn bao hàm cả ngữ cảnh và sự lí giải của người đọc).
B. ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN BẢN VĂN HỌC
1. Đặc điểm về ngôn từ
– Ngôn từ văn học có tính nghệ thuật và thẩm mĩ: các yếu tố từ ngữ, âm thanh, kiểu câu… được sắp xếp, tổ chức có chủ định nhằm tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn (đoạn thơ đầu trong bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải tạo nên một bức tranh mùa xuân đầy sức sống với màu sắc tươi tắn, hài hòa, âm thanh rộn ràng, trong trẻo của tiếng chim…).
– Ngôn từ văn họ : dùng để sáng tạo hình tượng: ngôn từ văn học dựng lên một bức tranh sinh động nhưng là trong trí tưởng tượng của con người (trong đó các nhân vật đều là những nhân vật hư cấu, người kể chuyện, nhân vật trữ tình không đồng nhất với tác giả). Ví dụ chị Dậu trong Tắt đèn cửa Ngô Tất Tố, lão Hạc trong Lão Hạc của NamCao tuy ít nhiều có trong những nguyên mẫu ngoài đời nhưng đều là nhưng nhân vật do nhà văn hư cấu nên.
– Ngôn từ văn học có tính biểu tượng và đa nghĩa: biểu tượng trong văn học là những hình ảnh cụ thể nhưng mang ý nghĩa quy ước của nhà văn hay người đọc. Cũng do tính biểu tượng mà ngôn từ văn học mang tính đa nghĩa, biểu hiện những ý ngoài lời (Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng nói về thân phận chìm nổi của người phụ nữ).
2. Đặc điểm về hình tượng
– Hình tượng văn học là thế giới đời sống do ngôn từ gợi nên trong tưởng tượng, trong tâm trí người đọc. Từng câu, chữ của văn bản với các chi tiết cụ thể về hành vi, cử chỉ, hành động, ngoại cảnh của con người dần gợi lên cuộc sống riêng của nhân vật, sống động như cuộc sống thật ngoài đời (nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu được xây dựng như một con người thật ngoài đời với suy nghĩ, cử chỉ, ngôn ngữ phù hợp với hoàn cảnh riêng của nhân vật).
– Hình tượng văn học là một phương tiện giao tiếp đặc biệt: thông qua các chi tiết, nhân vật…, nhà văn truyền cho người đọc cách nhìn, cách cảm về cuộc đời, quan niệm về cuộc sống, tức là mong muốn truyền cho người đọc diều mình muốn gửi gắm. Quá trình đọc – hiểu văn bản văn học chính là quá trình thực hiện sự giao tiếp đặc biệt giữa nhà văn và bạn đọc (chẳng hạn thông qua hoàn cảnh bi đát, những suy nghĩ của nhân vật Nhĩ (Bến quê) với cảnh sắc thiên nhiên, về người vợ, hành động nhân vật nhờ đứa con trai sang bên kia sông nhưng nó lại sa vào một bàn cờ thế ven đường…, nhà văn muốn nhắn gửi đến người đọc những suy nghĩ sâu sắc: mỗi con người chúng ta cần phải biết trân trọng những giá trị tinh thần giản dị và bền vững; hãy cố gắng tránh khỏi những điều vòng vèo, chùng chình trong cuộc đời…).
III. KẾT BÀI
– Văn bản văn học là nơi kết tinh những giá trị tinh thần, thể hiện tư tưởng, tình cảm của nhà văn.
– Đọc – hiểu văn bản văn học là một quá trình phức tạp, khó khăn nhưng thú vị giúp ta khám phá những giá trị tinh thần to lớn ấy.
Leave a Reply