I. TƯỢNG TRƯNG CỦA GIẤC MƠ THẤY TRỜI
1. Văn hóa “trời”
“Trời” có ý nghĩa sâu sắc, phổ biến trong các nền văn hóa truyền thống phương Đông.
Thời cổ đại Trung Hoa, văn hóa Vương triều Chu “lấy trời làm tông, lấy đức làm gốc”. Cách giải thích là: Trời ứng với người, mệnh tượng trưng cho lòng dân, đứng sau lòng dân chỉ là cái đức mà vua chúa phải thực hiện.
Ở Trung Hoa, từ thời Tần Hán cho đến nay, quan niệm về trời có nhiều thay đổi. Thời Xuân Thu Chiến Quốc “ trời” đã có hàm nghĩa văn hóa mới.
Thời kỳ này, “trời” được xem như một cặp đối lập cùng chuyển hóa, song song tồn tại với đất.
Theo thời gian, nhận thức của con người về thế giới ngày một phát triển. Người ta giải thích trời là cặp đối lập với đất.
Quan niệm về trời – đất cũng gần với quan niệm về âm – dương cấu tạo nên vũ trụ, trời hoàn toàn do khí dương tạo thành.
Trời có ưu thế của cứng rắn, của nam tính, của dương khí, nếu trời không giao lưu thì vạn vật không hưng thịnh được.
Sách Lã Thị Xuân Thu có ghi: “Trời đất có trước hết, trời do tinh khí mà thành, đất có từ hình”. Một số chuyện trong sách Hoài nam tử cũng nhất trí với nhận định này.
Những câu chuyện thần thoại đều có nội dung bao hàm quan niệm trời đất, âm dương, khí hình. Âm dương là khí, vạn vật là hình. Tạp khí là sâu bọ, tinh khí là con người.
Người đời sau cho rằng trời – đất là hóa thân của hai vị thần, hai vị thần được cụ thể hóa là hai vợ chồng, vợ chồng giao hợp sinh con đẻ cái ngày càng đông đúc. Những đứa con không ở trong nhà nữa, đi ra ngoài đã nâng tầm vóc của cha, lúc bấy giờ là hóa thân của trời, nên cao hơn đất. Cha – mẹ là trời – đất được tách rời nhau, chung sống với nhau.
Trong khi ngủ, trẻ con nằm mơ thấy trời, tức là đã mơ thấy cha, trong bầu trời âm u nhất định cha sẽ ban cho chúng nhiều điều tốt lành.
Có truyền thuyết khác: Trời được miêu tả như một vị thần nắm giữ dinh mệnh của con người.
Người Trung Hoa cổ đại có câu cách ngôn: “Số mệnh do trời giáng xuống”. Trước đây người ta thường dán câu cách ngôn này ở ngoài cửa. Trời căn cứ vào công và tội của con người để ban điều lành giáng tai họa.
Sách Giải mơ trong Đôn Hoàng di thư chép rằng:
– Nằm mơ thấy trời là sinh quý tử.
– Nằm mơ thấy trời tan vỡ, năm đó nhiều tai họa đến.
Đó là hai biểu hiện khác nhau của vận mệnh. Thời xưa người ta thường lấy trời để biểu thị vận mệnh, vận khí và thiên số. Người mẹ mất con đã kêu gào thảm thiết “Trời ơi”, có nghĩa là trời đã cướp đi đứa con thân yêu của bà. Cho nên nhiều giáo sỹ đạo ky – tô khi đến Trung Hoa truyền giáo, qua thời gian tìm hiểu nghiên cứu đã dịch: “Thượng đế” thành “Thiên chúa”.
Trong các tác phẩm văn học có tiếng của Trung Hoa, đặc biệt là bộ sở từ ta thấy con người hết sức sùng bái trời: “Trời là cha mẹ của mọi người nên bất cứ ai cứ gặp điều đau thương, khổ cực, lo buồn đều gọi trời như thể người ta đau ốm khổ não đều cầu cứu cha mẹ, dựa vào cha mẹ.”
2. Điềm báo lành dữ trong giấc mơ thấy trời.
Trong sách Giải mơ của bộ Đôn Hoàng di thư, chương thứ nhất nói về thiên văn đã giới thiệu điềm báo lành dữ khi nằm mơ thấy trời:
· Các giấc mơ báo điềm tốt:
– Nằm mơ thấy lên trời: sinh quý tử.
– Nằm mơ thấy trời sáng: vui lớn
– Nằm mơ thấy trời: sống lâu.
– Nằm mơ thấy Đế Thích: đại cát.
– Nằm mơ thấy trời : được tiền của
– Nằm mơ thấy mặt trăng mặt trời chiếu vào mình là điều đai quý.
– Nằm mơ thấy vái lạy mặt trăng, mặt trời : đại cát.
· Các giấc mơ báo điềm dữ
– Nằm mơ thấy trời sập: mất mùa lớn
– Nằm mơ thấy sao rơi: nhà không yên
– Nằm mơ thấy sương mù: lo lắng, điềm báo tang cha, tang mẹ.
– Nằm mơ thấy bầu trời tối tăm, không thấy mặt trời, mặt trăng: điềm rất xấu.
– Nằm mơ thấy mặt trăng, mặt trời đấu nhau: làm việc đại bại.
Thời cổ do khoa học chưa phát triển, trình độ nhận thức có hạn, con người không giải thích được nguyên nhân của các hiện tượng tự nhiên, do đó cho rằng các hiện tượng kỳ lạ về bầu trời như sao chổi, sao băng, nhật thực nguyệt thực đều là do các lực lượng làm chủ loài người, từ đó xem diễn biến của các hiện tượng này trên bầu trời là điềm báo tai họa hoặc tốt lành.
Trong Bốc từ (chữ bói), Ân Khư có ghi chép:
“ hôm nay có nhật thực là điềm tốt hay xấu? Nếu hôm nay có nhật thực là điềm xấu.”
Về sau con người đã lợi dụng mặt trăng, mặt trời, sao, sáng sớm để bói toán. Thuật chiêm tinh là phương pháp xem sao có ảnh hưởng lớn trong lịch sử cổ đại. Tất nhiên điều đó sẽ được phản ánh vào giấc mơ của con người.
Theo Đôn Hoàng di thư, các giấc mơ báo lành – dữ là:
· Các giấc mơ báo điềm lành
– Nằm mơ thấy cửa trời thì sống lâu.
– Nằm mơ thấy trên trời có người xuống trần là điềm đại cát.
– Nằm mơ thấy cửa trời mở: thế nào cũng có chuyện quân sự.
– Nằm mơ thấy lên trời: sinh quý tử, đại cát.
– Nằm mơ thấy trời hiện rõ: đại cát đại lợi.
· Giấc mơ báo điềm xấu:
– Nằm mơ thấy trời nóng bức: có chuyện binh đao.
– Nằm mơ thấy trời âm u: có mưa ốm đau.
– Nằm mơ thấy trời to đất nhỏ: việc quân sự gặp điều xấu.
– Nằm mơ thấy trời mưa nổi bong bóng: việc mình xin không thành.
– Nằm mơ thấy trời có mây đỏ, trắng: điềm dữ.
– Nằm mơ thấy mưa rơi: mùa xuân mùa hạ thì lành, mùa thu, đông thì dữ.
– Nằm mơ thấy sao bắt đẩu: có việc lo buồn.
Từ xưa con người đã biết quan sát khí tượng để dự báo mưa gió sấm sét, phục vụ cho sản xuất, mang nhân tố duy vật thô sơ. Đây cũng là con đường để phát triển khoa học khí tượng.
Đến thời Chiến Quốc, quan sát khi tượng đã đi vào phạm vi xem sao, đoán sao, trở thành thuật số thần bí, giá trị ban đầu bị mai một.
Đoán khí tượng chủ yếu là đoán mây: Căn cứ vào hình thái của mây, sắc mây để đoán lành dữ. Sách Chu Lễ căn cứ vào sao là chủ yếu, nhưng cũng dựa vào 5 sắc mây. Trịnh Huyền, nhà đoán giải mơ có chú thích rất rõ:
Bốn mùa chí làm 4 ngày ở giữa mùa, xem ngày là xem sắc mây.
– Xanh là côn trùng.
– Trắng là chôn người chết.
– Đỏ là đấu chiến, binh đao.
– Đen là nước
– Vàng là thu được hiệu quả.
Trên đây dùng ngũ hành làm lý luận để dự đoán chuyện con người.
Bói đoán khí sắc của mây có liên quan đến bói mây trong Giáp cốt và Bốc từ.
Tả truyện viết:
Có người nằm mơ thấy một đám mây như một đàn chim đỏ bay sát mặt trời. Ba hôm sau, Sở Tử hỏi Chu Thái sử thế là thế nào?
Chu Thái sử trả lời:
– Đây là giấc mơ của vua nước Sở chăng? Nếu tế cúng thì có thể chuyển sang các quan Tư mã Lệnh. Chu Thái sử đã căn cứ vào màu đỏ của đám mây trong giấc mơ để dự báo vua nước Sở sẽ gặp tai họa, nếu cúng tế sẽ đẩy tai họa cho người khác gánh chịu.
Phương pháp xem mây để đoán giải lành dữ được áp dụng vào cách đoán giải các giấc mơ, đó cũng là sự phản ánh cách đoán giải khí tượng thời cổ.
Sự sùng bái trời bao gồm cả sùng bái mặt trời. Mặt trời mọc và lặn theo thời gian nhất định, có quan hệ đến đời sống của con người. Người xưa kính sợ mặt trời nhưng chẳng biết làm gì hơn là cúng lễ. Một số lời bói trong Bốc tử có ghi rõ nghi thức đón và tiễn mặt trời. Mơ thấy mặt trời mọc là điềm lành, thấy mặt trời lặn là điềm dữ.
Mặt trăng cũng được sùng bái vì mặt trăng, mặt trời là các vì sao có tác dụng với con người, cũng như tác dụng với sắt đối với từ lực trong từ trường.
Sách Đôn Hoàng giải mộng thư có ghi chép: “Sự thay đổi biến hóa của các vì sao biểu thị lành dữ phúc họa của con người.”
Tinh vân (sao) thường tượng trưng cho tai họa bất ngờ không thể lường trước.
Đời xưa cho rằng “tế sao” là để trừ tà ma. Trong giấc mơ mà thấy sao Bắc Đẩu là điềm xấu. Các thứ mưa, gió, tuyết, sương, sấm, chớp đều có uy lực vô hình, nắm các điều lành dữ, phúc họa của con người nên đều hiện ra trong giấc mơ.
Ở Trung Hoa, việc đoán giải các giấc mơ và xem sao có liên quan mật thiết với nhau. Những biểu hiện biến hóa của trời như nhật thực, sao chổi, sao băng đều được chú ý, gọi là “thiên biến”. Nằm mơ mà thấy “thiên biến” rất đáng sợ gặp trường hợp này người ta phải cúng tế cầu thần linh phù hộ để giải trừ tai họa. Thầy đoán mơ và thầy xem sao là bạn đồng hành trong xã hội cũ, sống dựa vào nhau.
II. ĐẤT VỚI CÁC GIẤC MƠ
Người xưa xem “đất” cũng quan trọng như trời. Do đó, đất cũng có liên hệ chặt chẽ với các giấc mơ.
1. Khoa học địa dạng của Trung Hoa cổ
Thư tịch sách vở ghi chép về địa dạng các công trình thời xưa mặt dù còn chịu nhiều ảnh hưởng của quan niệm số mệnh, quỷ thần nhưng cũng có quan điểm duy vật thô sơ. Vua Bàn Canh nhà Thương khi dời đô đến đất Ân tuyên bố với thần dân:
– Trời cho ta được ở ấp mới này, xây dựng ấp này mãi mãi thịnh vượng.
Lời tuyên bố này khẳng định chuyện dời đô là do trời quyết định. Đương nhiên với quan điểm thực tiễn và khoa học thì các nhân tố quyết định việc dời đô là khí hậu, nước, cây cỏ, tài nguyên, chiến tranh giứa các bộ lạc.
Nhà Chu dời đô và xây dựng ấp mới nhiều lần đều xem địa dạng.
Người xưa cân nhắc, thận trọng khi chọn đất để an cư, lạc nghiệp.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là xác định bóng chiếu của mặt trời xuống mảnh đất khi xem đất. Về cơ bản phương pháp này có cơ sở khoa học.
Từ đời Tần, Hán, phuongwphaps xem tướng rất tiến bộ dần, phát triển thành môn địa lý học, nhưng dần sa vào con đường mê tín.
Người xưa cho rằng vị trí đặt mồ mả quan hệ đến số phận của con cháu đời sau.
Sách Luận hành của Vương Sung có viết: “Không xây nhà hướng Tây, nếu xây sẽ có nhiều điều xấu, nguy hại nhất là chết chóc”.
Ở các vương triều sau, yếu tố mê tín thần bí tăng dần, thuật xem trở nên thần bí.
Ở phương Tây, nhất là vùng Trung Cận Đông, khi xây lăng mộ, các vị hoàng đế Ai Cập rất chú ý đến hướng đất, nhiều khu lăng có nét đặc biệt, dần dần người đời sau mới phân tích rõ dưới góc độ khoa học.
Trong truyền thuyết Hy Lạp, thần đất có con là nứ thần Nông nghiệp. Người Babilon cổ đại cho rằng thần Hạt giống là con gái của thần đất.
Người Ả Rập khi chọn Jerusalem là thánh địa đã xem tướng đất kỹ càng nhưng vẫn không tránh được sự sắp đặt của Thượng Đế.
Năm 746 ở Jerusalem có động đất, các thánh điện bị hư hại, năm 785 phải trùng tu. Đền đài rực rỡ trên mảnh đất này cũng được xây dựng từ biểu thức tổng hợp về tướng đất, thiên văn và việc đoán giải cac giấc mơ.
Đời vua AJ – Mamum của Ả Rập thời kỳ bấy giờ là A- lo –not Ba – ki – a (Di tích quá khứ) đã nói nhiều về đoán sao, đoán mơ và xem tướng đất.
Ở các nước phương Đông có nghi lễ tế đất. Theo cách nhìn của người đương thời, các gò đất, đống đất đều là hiện thân của các vị thần. Người xuă đã nhân cách hóa đất xem đó là thân thể thần linh.
Sách Đôn Hoàng giải mộng thư nói nhiều về những giấc mơ có liên quan đến đất, cho rằng nằm mơ thấy nhiều ruộng là giàu có.
Sách Bạch Hổ thông nghĩa có nói:
“Đất không những có thể nuôi sống vạn vật mà con có thể hủy diệt vạn vật.”
Sách Đôn Hoàng giải mộng có chép:
– Nằm mơ thấy mua đất: đại cát, phú quý.
– Nằm mơ thấy đất hâm: gia trạch không yên.
Các hòn đá cũng được sùng bái. Trong nghi lễ Chu vũ (cầu mưa) có việc tế cúng các mõm đá, nếu sau khi cúng tế mà không mưa thì gõ vào đầu phiến đá.
Một câu chuyện có thực ở tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc: Trong một ngôi miếu nọ có một phiến đá rất to, trên phiến đá có 5 lỗ, các bà vợ đến cầu con trai nối dõi tông đường thường ném những viên đá con vào lỗ. Nếu ném trúng các lỗ trên nhất thì giàu có, nếu ném lỗ thấp nhất thì được vinh dự. Ném trúng lỗ bên trái sinh con trai. Ném trúng lỗ bên phải sinh con gái.
Ở Đài Loan, vị thần bảo vệ trẻ con được gọi là “Thạch đầu sư phó” (thầy giáo kèm cặp cho Đá) với ý nghĩa mong muốn đưa con trai của mình được như viên đá.
Nếu sinh được con trai, mỗi năm bà mẹ đến lễ tạ 4 lần, đến khi nào đứa bé lên 6 tuổi mới thôi.
Ở nước ta, trong chùa Hương Tích có tượng “đá cô đá cậu” để cầu sinh con, núi Tiền , núi Gạo cầu cho sung túc, có của cải.
Đặc biệt ở trước cửa các phủ, huyện đều đặt hai con sư tử đá nhằm mục đích ngăn cản tà ma lan la đến công sở.
Trong các giấc mơ của con người cũng phản ánh thuật địa dạng, sùng bái đất.
III. PHẬT VỚI CÁC GIẤC MƠ
Phật có mối liên hệ nhất định với các giấc mơ. Thế giới trong mơ hư ảo, hiện ra rồi tiêu tan, không định hình, không giứ lại được.
Còn thế giới trong đạo Phật là hư vô, phiêu diêu. Ở phương Đông, đạo Phật thịnh hành trước hết ở Ấn Độ, các nước Tây Nam Châu Á rồi đến các nước phía Đông, cuối cùng là các nước vùng Đông Nam Á.
Ở Trung Hoa, Phật giáo thịnh hành nhất ở đời Đường, nhưng người Trung Hoa thường lấy cái mốc từ khi Hán Vũ Đế (từ năm 156 trước công nguyên đến năm 87 sau công nguyên) nằm mơ sai người đi tìm đạo Phật.
Đạo phật dần trở thành một bộ phận của nền văn hóa Trung Hoa. Có nhiều sách nói đến giấc mơ có liên quan đến đạo Phật.
Ví dụ: Sách Đôn Hoàng giải mộng thư có viết:
– Nằm mơ thấy đi vào chùa: điềm vui.
– Nằm mơ thấy Bồ Tát: sống lâu.
– Nằm mơ thấy tăng ni: mọi việc đều hợp.
– Nằm mơ thấy lễ Phật: được quý nhân trợ sức.
– Nằm mơ thấy ăn chay: đại cát.
– Nằm mơ thấy đốt hương: có chuyện cưới xin
– Nằm mơ thấy miếu thần: người tiên xin ăn.
– Nằm mơ thấy đạo chú: có sự thay đổi.
Đạo Phật có quan hệ chặt chẽ với âm nhạc.
Trong chương thứ tám của Đôn Hoàng giải mộng thư có việc:
– Nằm mơ thấy tấu nhạc thì khóc than.
– Nằm mơ thấy đánh trống: có tin xa đến.
– Nằm mơ thấy múa: có chuyện kinh sợ.
– Nằm mơ thấy ca hát: có chuyện cãi cọ.
– Nằm mơ thấy có người đánh đàn cầm đàn sắt: rất vui.
– Nằm mơ thấy thổi sáo: đại cát.
Với những lời doán giải các giấc mơ có liên quan đến đạo Phật như ở trên ta thấy người Trung Hoa thời xưa rất sùng bái đạo Phật.
IV. RỒNG VỚI CÁC GIẤC MƠ
Rồng là một vật linh thiêng ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, ở Trung Quốc nói đến điều cao quý đều liên hệ ngay đến rồng. Rồng là biểu tượng cho Hoàng đế. Những bộ phận trên cơ thể Hoàng đế hoặc những đồ dùng của Hoàng đế đều gắn với chữ “long” (rồng): long nhan (mặt), long thể (thân thể), long bào (áo), long miện (mũ), long sàng (giường)….
Trang trí nội thất, kiến trúc trong cung điện đều sử dụng hình rồng. Người thời xưa rất thích nằm mơ thấy rồng. Các vị vua chúa đều mơ thấy mình cưỡi rồng bay lên trời hoặc trèo lên lưng rồng, nuốt rồng, bắt được rồng, gặp rồng vàng….
Sử sách ghi chép nhiều câu chuyện nằm mơ thấy rồng. Những cát tường quý giá đều nói đến rồng, rồng tượng trưng cho tinh thần mạnh mẽ.
Trong Đôn Hoàng giải mộng thư:
– Nằm mơ thấy rồng là đại cát đại lợi.
– Nằm mơ thấy rồng và chợ: có địa vị cao sang.
– Nằm mơ thấy bắn rồng : điềm đại cát
– Nằm mơ thấy cưỡi rồng: có bổng lộc.
Thủy tổ của rồng là rắn nên người xưa thường gắn liền rồng với rắn. Rồng và rắn có đặc trưng giống nhau như mình dài, có vẩy, mắt có mí bất động, ngủ về mùa đông.
Ở Trung Hoa, khái niệm rồng được xác định từ đời Thương Chu rồi ảnh hưởng đến hàng nghìn năm sau. Đia vị của nó ngày càng được nâng cao. Rồng có mặt khắp hoàng cung, cũng không vắng bóng nơi thôn dã.
Rồng có mặt khá nhiều trong các giấc mơ của mọi người. Hình ảnh rồng đại diện cho sức sống lành mạnh và đặc tính cuả người cổ đại phương Đông.
Nhìn chung, nằm mơ thấy rồng là điềm báo tốt lành.
V. QUAN HỆ VỢ CHỒNG VỚI GIẤC MƠ
Trong Đôn Hoàng giải mộng có viết:
– Nằm mơ thấy vợ vui vẻ: được của.
– Nằm mơ thấy vợ chồng vái nhau: chia tay.
– Nằm mơ thấy vợ chồng nắm tay nhau: đại cát.
– Nằm mơ thấy vợ trang điểm lộng lẫy: phải chia tay.
– Nằm mơ thấy vợ: công việc thay đổi.
– Nằm mơ thấy vợ đeo dao: gặp lại con.
– Nằm mơ thấy cửa mở: vợ ngủ đêm ở ngoài nhà.
– Nằm mơ thấy vợ đánh phấn: cãi nhau.
– Nằm mơ thấy hai người con gái lâu ngày gặp lại là điềm đại hung.
Ở nhiều nước phương Đông, đặc biệt là ở Trung Hoa, vợ chồng không bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật đời Đường quy định:
– Vợ đánh chồng: xử phạt một năm tù giam.
– Vợ đánh chết chồng bị chém đầu.
Ngược lại:
Chồng đánh vợ: chuyện thường pháp luật không can thiệp.
Chồng đánh chết vợ: bị hạ xuống hai bậc và chỉ được làm thứ dân.
Đời Minh đời Thanh pháp luật quy định:
– Chồng đánh vợ dưới mức thương tích: không ai được bàn tán dị nghị.
– Chồng đánh vợ trên mức thương tích: bị hạ hai cấp xuống làm thường dân, nhưng bên vợ có đưa đơn kiện mới được xét đến.
Ý thức tư tưởng này được đưa vào để đoán giải các giấc mơ. Trong Đôn Hoàng giải mộng thư có ghi:
– Nằm mơ thấy vợ đánh mình: người nằm mơ được nhờ vợ.
– Nằm mơ thấy mình đánh vợ: của cải mất đi.
Đời Đông Hán, Ban Chiêu viết bộ sách Nữ giới đã đưa ra ý kiến: Phàm là con gái không nên cười để giữ được “Tứ đức”.
Trong Đôn Hoàng giải mộng thư có nói:
– Nằm mơ thấy vợ vui là được của cải.
Xem ra quan điểm và cách kiến giải vấn đề ở Đôn Hoàng giải mộng thư có tiến bộ hơn. Sách Đôn Hoàng giải mộng thư có ghi: Hai vợ chồng phải thương yêu, bình đẳng với nhau. Từ đó có lời đoán giải:
– Nằm mơ thấy vợ chồng cầm tay nhau là điềm đại cát.
Tục ngữ Trung Hoa cổ đại có câu:
– “Vợ hiền thì chồng bớt tai họa”
– “Người đàn bà khéo thì rủ được chồng luôn chung chăn gối”.
Trong xã hội đời Đường, người phụ nữ trong gia đình có vị trí quan trọng.
Năm Thượng Nguyên (674) đời Đường Cao Tông, quyền hành của Võ Tắc Thiên đã dọc ngang trong triều đình nhà Đường. Bà thay mặt Hoàng đế giáng biểu: “Ta nghĩ: Là người mẹ thì yêu con, hiền dịu đặc biệt là sâu sắc. Không có mẹ không có con, không có mẹ ai nuôi con. Mẹ nhường chỗ khô ráo cho con, còn mình nằm chỗ ướt, mẹ ngậm đắng để con được ngọt ngào. Cái ơn ấy trả sao được?”
Kính cha cũng phải thờ mẹ. Cha chết để tang 3 năm thì thờ mẹ cũng như thế. Chế độ tang lễ này ở thời Đường chỉ được thực hiện trong thời gian Võ Tắc Thiên chấp chính. Trong thời gian nắm quyền, Võ Tắc Thiên đã thực hiện nhiều chính sách tôn trọng người phụ nữ.
VI. TÊN GỌI VỚI CÁC GIẤC MƠ.
Mỗi người có một cái tên, nhưng có nhiều loại tên cho một người.
Tên cúng cơm: Khi mới sinh ra bố mẹ yêu đứa bé hết mực, sợ dùng tên đẹp để gọi con có thể gặp điều không may nên thường gọi con bằng những tên xấu như: Cún, Bống, Tấm…. Thậm chí có gia đình lấy tên chó để gọi con: Vàng, Vện, Mực…Đương nhiên luc làm nên hoặc có chức vụ thường đổi: “Vàng” bỏ dấu là Vang, “Vện” thì gọi là Vịn rồi Vịnh, “Mực” thì gọi là Mặc, Mạc…
Nhiều gia đình quyền quý thường chọn tên cho con rất cẩn thận.
Cho nên sách xưa có viết: “Danh xứng kỳ chức” (tên hợp với địa vị), nhà quyền quý thì đặt ten cho con sang, bình dân đặt tên cho con gần giũ với đời thường.
Thời Thập lục quốc (mười sáu nước ơ Trung Hoa, thế kỷ thứ IV, thứ V), Ngụy Cao Tổ có 4 người con, tên gọi là: Tuân Du, Nguyệt, Dịch đều có chứ “tâm” bên trái.
Quan đại thần Thôi Quang cũng có 3 người con gọi theo thứ tự: Lệ, Húc, Miễn đều có chữ “lực” bên phải.
Một hôm Ngụy Cao Tổ hỏi Thôi Quang:
Tên các con của ta đều có chữ “tâm” bên trái còn con của nhà ngươi bên phải có chữ “lực”.
Thôi Quang cười nói:
“Quân tử lao tâm, tiểu nhân lao lực” (Người quân tử làm việc khó nhọc con tim, đem trí tuệ ra mà làm, tiểu nhân dùng sức lực)
Cao Tổ nghe xong tỏ ý tán thành.
Đời Đường có quan thị Lang Hình Bộ là Do Nhân Kiệt, không những xử các vụ án hiểm hóc công minh tài giỏi như thần mà còn hay khôi hài đùa cợt. Có lần quan đồng liêu cùng làm việc một công sở là Lư Hiến đã bị ông đùa:
– Túc Hạ có cái ghép với chữ “mã” thành con lừa.
Lư hiến trả lời:
– Tên ông bên cạnh chữ “khuyển” ghép với chữ “hỏa” mới thành chữ “do” là chó đã nướng cháy thui.
Lối dùng chiếu tự để giễu nhau giữa hai ông quan đã phản ánh một hiện tượng: xã hội rất quan tâm đến tên người.
Hiện tượng xã hội này có quan hệ trực tiếp đến các giấc mơ. Nhiều người thời xưa đã đặt tên gọi từ những giấc mơ. Kinh Thi có viết:
Người có uy tín trong xã hội nằm mơ thấy gấu đực gấu cái là điềm lành, sinh con trai.
Kinh Thi giải thích: Gấu dù là đực hay cái đều ở trên núi nên sinh con trai. Vì ở trên núi là “dương”.
Thời Xuân Thu, Tấn Công Tử khi mới sinh ra có vết đen ở mông. Mẹ ông thường nằm mơ thấy thần gỗ vỗ vào chỗ mông đen của đứa bé mà nựng: “Sẽ có nước Tấn”. Vì vậy bà đặt tên cho con là “Mông Đen”. Lẽ thường cái mông bị vết đen đáng lý phải giữ kín không nói ra, nhưng vì mơ thấy thần báo “Mông Đen” sẽ làm vua nước Tấn nên mẹ Tấn Công phải theo lời thần dặn.
Trong các sách sử Trung Hoa còn ghi khá nhiều câu chuyện về việc đặt tên con theo điềm báo trong các giấc mơ.
Bà mẹ Nhạc Phi nằm mơ thấy chim ddaijbangf đậu ở trên nóc nhà, khi sinh ra Nhạc Phi đã đặt tên tục là “Bằng Cừ” nghĩa là chim đại bàng cất cánh.
Nữ sĩ nổi tiếng thời cổ Trung Hoa là Diệu Nguyệt Hoa có cái tên hiền dịu như thế là do bà mẹ nằm mơ thấy ánh trăng chiếu vào bụng ngày bà mang thai.
Lý Bạch – Thi nhân đời Đường có tên tự Thái Bạch là vì bà mẹ ông nằm mơ thấy sao Thái Bạch rơi vào bụng.
Năm thứ 9 đời Thuận trị, nhà Thanh, khoa thi năm Nhâm Thân, người Vô Tích đỗ trạng nguyên, tên là Trung Ỷ. Khi còn bé ông vẫn ra ngôi miếu đầu làng cúng lễ, đêm nằm mơ thấy thần linh tựa vào mình, cho 54 hạt dưa.
Tỉnh giấc, ông đi hỏi, được người đoán giải mơ khuyên nên đổi tên cũ, lấy tên mới Trung Ỷ. Sau này đến tuổi trưởng thành, Trung Ỷ lấy vợ. Được ít lâu, nhân nhàn nhã, hai vợ chồng ngồi uống trà với nhau, người vợ bỗng lấy một vốc hạt dưa đặt xuống bàn, xếp thành hai chữ “trạng nguyên”. Trung Ỷ nhớ ngay tơi giấc mơ ngày nhỏ. Sau này ông cùng 54 thí sinh dự thi và đỗ đầu, giống hệt sự việc xảy ra trong mơ.
Từ những câu chuyện như thế, các vua chúa quan lại thời xưa thường dựng nên những giấc mơ có nội dung có lợi cho ý đồ chính trị của mình.
Lưu Bang dựng chuyện bà mẹ nằm mơ thấy giao hợp với rồng sinh ra Lưu Bang, sau này thành Hán Cao Tổ.
Thúc Lương Hột và Nhan Thị đi cầu đảo, cùng ngủ với nhau ở Ni Khâu mà sinh ra Khổng Tử nêu đặt tên là Khâu, tự là Trọng Ni.
Nằm mơ thấy một hiện tượng gì có liên quan đến con người rồi lấy đó đặt tên là việc làm bình thường ở thời Trung Hoa cổ. Văn học lịch sử Trung Hoa có nhiều điển cổ loại:
– Trang Tử nằm mơ thấy bướm.
– Khổng tử nằm mơ thấy gấu, gặp Chu Công.
– Giang Yêm nằm mơ thấy được bút.
– Lý Bạch nằm mơ thấy bút nở hoa.
Một thi nhân đời Đường ở Trung Hoa là Lưu Vũ Tích đã lấy tự là Mộng Đắc, về sau nhiều người bắt chước lấy tên là Mộng Đắc hoặc tự là Mộng Đắc.
Cho nên để đoán giải các giấc mơ, cần dựa vao fquan điểm duy vật lịch sử thì mới không rơi vào hoang đường mê tín hoặc bị lợi dụng.
VII. THẦN THOẠI VỚI CÁC GIẤC MƠ.
Thần thoại là cách giải thích của nhân dân trong buổi sơ khai về những hiện tượng tự nhiên, cũng phản ánh cuộc đấu tranh, nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân. Một số nhà nghiên cứu khoa học cho rằng thần thoại là nguồn gốc của giấc mơ thời sơ khai. Thần thoại là hình thái ảo mộng của con người thời xưa. Nói một cách khác, thần thoại là các câu chuyện về hành vi siêu phàm của thần.
Enghen cho rằng: “thần được sản sinh ra trong các giấc mơ của người cổ xưa”.
Trong cuốn sách Ludwid Feuerbach với sự tổng kết triết học cổ điển Đức, Enghen có viết: “Thời cổ xưa, con người chưa biết đến cấu tạo của cơ thể mình và chịu ảnh hưởng của cảnh tượng trong mơ, họ quan niệm: Con người trong giấc mơ là linh hồn tạm thời lìa khỏi thể xác.”
Điều này cũng được một số học giả phát hiện từ năm 1884 khi ông quan sát người Anh – điêng ở Guy – a – na. Họ có quan niệm: Tư duy và cảm giác không phải là hoạt động của cơ thể, mà là một hoạt động độc đáo của linh hồn trú ngụ trong thể xác con người khi cconf sống. Khi chết thì hồn lìa khỏi xác.
Nếu linh hồn rời khỏi xác để tiếp tục hoạt động thì như vậy bản thân linh hồn vẫn chưa mất. Và như thế sinh ra một loại quan niệm: Linh hồn không chết.
Óc tưởng tượng cho rằng linh hồn bất tử ở khắp nơi, và sức mạnh của thiên nhiên được sùng bái, từ đó có khái niệm về “thần”.
Enghen cho rằng: Con người thời cổ xưa với người hiện nay đều giống nhau. Sau một ngày lao động căng thẳng, khi nằm ngủ vẫn thường mơ: Mơ là một loại hiện tượng tâm lý và sinh lý bình thường.
Con người trong giấc ngủ do quá trình ức chế nào không toàn diện, một số điểm hưng phấn vẫn tiếp tục hoạt động mà sinh ra mơ.
Do các nhân tố hoạt động của các điểm hưng phấn đó có liên quan đến những kích thích quá mạnh mà tri giác, cảm giác nhận được từ hiện tượng khách quan nên những cảnh trong mơ thường có mối liên hệ nhất định với cảnh lao động, sinh hoạt thường ngày.
Khi ngủ, hầu hết các bộ phận của võ não ở trạng thái ức chế nên các điểm hưng phấn bị cô lập, các điểm nốt quan hệ hữu cơ thường nối lại với nhau bằng các kiểu kỳ lạ, ít ngờ nhất, nên thường các giấc mơ đều hoang đường.
Trong các giấc mơ thường có các hiện tượng kỳ quái, biến ảo, khi mơ thân thể không hoạt động mà linh hồn hoạt động. Quan niệm linh hồn trong các giấc mơ được chấp nhận.
Vậy linh hồn là gì? Sách Tả Truyện có ghi: “Cái tồn tại được của trái tim là ‘hồn phách’. Hồn phách đã ra đi sao con người tồn tại được?”
Thuyết văn giải tự viết: Hồn là khí dương, phách là khí âm.
Sách Bão Phác tử có viết:
“Hồn phách rời nhau thì người ốm, đi hết thì người chết”.
Trong thần thoại Trung Hoa có nhiều truyền thuyết nói về chiêu hồn.
Có một câu chuyện được Mã Lọc Lương ghi như sau:
Thời cổ có một người cùng hai người bạn rủ nhau đi đến một nơi cách quê hương khá xa để làm ăn, ba người làm thuê cho một nhà khá giả ở một mỏ khai thác đồng, mười mấy năm không về nhà. Mẹ của anh ta rất nhớ anh, hằng ngày trông ngóng mà chẳng thấy con trở về, sốt ruột quá đi tìm thầy bói một quẻ. Thầy bói nói:
Con của bà đã đi xuống đất , lành ít dữ nhiều đấy.
Bà lại chạy đến một thầy bói khác để bói. Thầy bói thứ hai nói:
– Con của bà đã đi xuống đất nhưng hiện nay chưa có cách nào về. Bà trở về nhà, chờ lúc gà gáy ngồi đầu giường của bà, gọi con ba tiếng liền. Con của bà ở xa có thể nghe thấy tiếng bà gọi và trở về.
Bà mẹ trở về nhà, cứ theo lời thầy bói mà làm. Lúc gà gáy, đầu tiên bà gọi một tiếng, con của bà chưa nghe thấy. Gọi tiếp câu thứ hai, con của bà nghe xa xa. Đến câu thứ ba, con của bà ở mỏ đồng nghe rất rõ, vội vàng chạy khỏi mỏ đồng, vừa lúc mỏ đồng bị sụp lở. Hai người bạn của anh ta đều chết trong mỏ đồng. Về nhà người con kể lại cho mẹ nghe. Hai mẹ con đều thần phục.
Từ đó tập tục “kê hồn” (gọi hồn lúc gà gáy) hoặc “chiêu hồn” được phát triển. Câu chuyện này cũng nói về nguồn gốc của tục “chiêu hồn”.
Người xưa quan niệm linh hồn vĩnh viễn tồn tại, vạn vật đều có linh hồn có ý thức như con người. Cầm thú cũng hoạt động có ý thức. Thiên nhiên vạn vật cũng có ý thức. Mặt trời và mặt trăng mọc và lặn đều có ý thức, thảo mộc đâm chồi nảy lộc cũng có ý thức. Tự nhiên được nhân cách hóa, thần linh cũng ra đời. Đó là sự dung hòa giữa thiên nhiên và con người.
Người ta miêu tả hoạt động của “thần”: Hà bá (thần sông) quản lý sông, sơn thần quản lý núi, thổ địa thổ công quản lý đất ở.
1. Thần đem Phó Thuyết ban cho Vũ Linh
Sách Quốc ngữ và Sử ký có chép: Hoàng đế Ân Cao Tông Vũ Đinh có đức hạnh hơn người, sau khi lên ngôi quyết chí phục hưng sự nghiệp nhà Ân – Thương. Nhưng hoàng đế còn thiếu một bề tôi thật tài giỏi và trung thành, vì vậy ông hết sức lo lắng phiền muộn. Trong thời gian cư tang Tiên đế, Ân Cao Tông không nói năng, nếu cần ông chỉ viết chữ để truyền bảo.
Sự lo lắng của Vũ Đinh làm động lòng các vị thần linh, Thượng đế. Thần linh lấy làm xúc động, đã báo điềm mơ cho Vũ Đinh. Đêm đó Ân Cao Tông Vũ Đinh nằm mơ thấy Thượng đế ban cho ông một cận thần tài giỏi. Đó là một người lưng hơi gù, mặc áo vải thô, vai quàng dây thừng đang cúi ngựa làm việc. Đây là một người tù.
Vũ Đinh đã hỏi chuyện người này. Trong cảnh lộn xộn diễn ra trong giấc mơ, Vũ Đinh thấy người tù đã nói với Vũ Đinh rất nhiều chuyện về đại sự có liên quan đến thiên hạ. Vũ Đinh định hỏi tên của người tù thì hồi chuông ban mai đã làm ông tỉnh giấc.
Hôm sau vào triều, Vũ Đinh cho họa người tù mà mình đã thấy trong mơ để các quan đại thần xem, lại lệnh cho các quan đi khắp nơi tìm người giống như hình vẽ. Sau một thời gian dài các quan mới tìm được người mà Hoàng đế cần. Đó là một người tù ở Phó Nham – Bắc Hải. Người đó mặc áo vải thô, trên vai khoát dây thừng, lưng hơi gù, gương mặt giống hệt bức họa được Hoàng đế cho khắc trên gỗ. Các quan đưa ngay người này về triều.
Mới nhìn, Vũ Đinh đã thấy đúng người mà mình đã gặp trong giấc mơ. Không nên được mừng rỡ, ông nói chuyện với người đó. Đây là người đầu tiên Vũ Đinh nói chuyện sau 3 năm cư tang cha. Khi nói người tù có thái độ cẩn trọng, diễn đạt lưu loát, tỏ ra là một người có học vấn cao thâm, có hoài bão. Vũ Đinh rất tâm đầu ý hợp với người khách mới tên là Phó Thuyết và phong ngay cho ông làm tể tướng.
Phó Thuyết ở trong một cái hang thuộc Phó Nham (nay ở phía đông cách huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc 25 dặm). Sách Thủy Kinh chú, Hà Thủy viết: “Quen gọi là hang thánh nhân”.
Phod Thuyết giữ chức Tể tướng của triều Ân Thương, quả nhiên đã giúp Vũ Đinh thực hiện được giấc mơ phục hưng nhà Ân Thương.
Sau đó Phó Thuyết mất, trong Sở từ, Viễn Du viết: “ Linh hồn của ông bay lên trời, hóa thành một vi sao”.
Vương Đại có viết: “Phó Thuyết, Tể tướng của Vũ Đinh là sao Mai, sao Phòng ở phương Đông, thân hình như rồng. Sau khi Phó Thuyết chết, tinh thần vẫn còn”.
Trong Tử Âm nghĩa có bổ sung: “Sau khi Phó Thuyết chết, tinh thần còn lưu lại vào một nhôi sao ở đuôi rồng, đó là sao Phó Thuyết. Ông sinh ra không có cha mẹ, phải 3 năm mới thành hình hài”.
Hiện nay ngôi sao sáng nằm ở giữa sao Kỳ và sao Vỹ được gọi là sao Phó Thuyết.
2. Văn Vương nằm mơ thấy thần cho Thái công (Khương Tử Nha)
Chu Văn Vương là ngời xây dưng nền móng cho nhà Tây Chu. Nhà vua xem trọng việc bói toán và đoán giải mơ.
Chuyện cũ có kể: khi bị vua Trụ nhà Thương bắt giam, Chu Văn Vương thường đọc Kinh Dịch, tìm hiểu đạo trời. Sách Dật Chu thư – Trình ẩm giải và Trúc thư kỷ niên có ghi chép: “Chu Văn Vương đặc biệt rất thích đoán giải mơ, thường làm lễ “Bái Cát Mộng” (Lễ tạ giấc mơ lành)
Để lật đổ ách thống trị tàm bạo của vua Trụ đời Thương, báo thù cho con trai, Chu Văn Vương bức thiết cần có một người tài năng, văn vũ kiêm toàn, một hiền thần phò tá.
Trong các giấc mơ, ông thường mơ thấy có một vị hiền thần vẫn thường mỉm cười với ông. Theo Thái Công Lã Vọng biểu ghi: Một hôm Chu Văn Vương mơ thấy Tiên đế mặc áo bào đen đứng ở bến Lệnh Cô, một ông già đứng sau lưng Tiên đế. Tiên đế gọi Chu Văn Vương đến nói:
Cơ xương ta ban cho người một người thầy tốt, một trợ thủ tốt tên người ấy là Vọng.
Cơ xương vội vàng vái lạy, ông già cũng sụp lạy. Cơ xương mơ đến đấy thì tỉnh giấc.
Chu Văn Vương nghĩ: trước đây cũng đã nghe thấy có người nói đến một vị hiền tài như vậy nhưng không biết đến tên tuổi của người ấy là gì? ở đâu? Chu Văn Vương cùng tùy tùng đi săn bắn, hy vọng trong những cuộc du lịch có thể tìm thấy bậc hiền thần trong giấc mơ.
Có lần, Chu Văn Vương đi săn cho triệu Sử quan để đoán mơ. Sử quan nói:
Đến bên sông Vị săn bắn.
Sẽ có thu hoạch lớn
Không phải con ly, chẳng phải rồng
Không phải hổ, không phải gấu.
Được hiền nhân là Công Hầu.
Trời đã ban người trợ thủ tốt cho ngài.
Chu Văn Vương làm theo lời đoán giải giấc mơ, dẫn đoàn người ngựa, chó săn rầm rộ kéo đến bờ sông Vị săn bắn. Đoàn người vào tận rừng rậm, đến đầm nước sâu chỉ thấy một ông gìa râu tóc bạc phơ, ngồi dưới khóm lau trắng, mặc áo xanh, bình thản ngồi câu cá.
Chu Văn Vương thấy dáng mạo, phong độ của ông già giống như ông già đứng sau lưng tiên đế mà nhà vua đã thấy trong giấc mơ. Chu Văn Vương vội xuống xe cung kính đến bên, nói chuyện với ông. Ông lão không chút kinh ngạc, ung dung đối đáp. Nói chuyện một lúc, Chu Văn Vương vui mừng thấy mình đã gặp được một vị hiền tài hiểu biết sâu rộng, học vấn uyên bác. Nhà vua chân thành nói với ông lão:
– Thưa tiên sinh! Trước đây cha tôi còn sống thường dặn tôi, không lâu nữa sẽ có thánh nhân đến giúp, dân tộc Chu của chúng ta do đó mà thịnh vượng phát đạt. Có phải chính tiên sinh là vị thánh nhân đó chăng? Cha tôi đã nghĩ đến ngài từ lâu.
Nói xong, Chu Văn Vương mời ông lão lên xe ngựa đã chuẩn bị sẵn. Chu Văn Vương tự mình cầm dây cương, thúc ngựa. Về đến kinh thành Chu Văn Vương lạy ông lão làm Quốc sư, gọi là “Thái công Vọng”.
Thái công Vọng họ Khương nên gọi là Khương Thái công. Ông là người có tài học, vẫn thường mong muốn đem tài năng giúp đời, nhưng hơn nửa đời người sống trong u tĩnh. Đến lúc sức lực mòn mỏi, ông đến bên bờ sông Vị dựng lều cỏ câu cá kiếm sống.
Sách Thượng thư trung hầu có ghi:
“Thái công tôn ngủ nằm mơ thấy sao Bắc Đẩu báo cho biết phải làm việc phạt Trụ”
Khương Thái công được thiên thần phái xuống trần làm phụ ta đại thần cho Chu Văn Vương, ông mong gặp Chu Văn Vương để sử dụng tài kinh luân của mình.
Nhiều năm trôi đi, tóc ông bạc dần. Hòn đã mà ông ngồi buông câu đã hằn sâu dấu vết. Chính lúc lòng hy vọng của Khương Thái Công nguội dần thì Chu Văn Vương đến.
Sau khi Khương Thái công gặp Chu Văn Vương lại có một truyền thuyết thần kỳ nữa:
Chu Văn Vương phong cho Thái công làm Quán đàn lệnh. Năm sau, vào một đêm gió lặng, Chu Văn Vương nằm mơ thấy một người đàn bà rất đẹp ngồi khóc giữa đường, hỏi duyên cớ thì nàng trả lời:
Tôi là con gái Thái sơn, được gả làm vợ cho Đông Hải, tôi muốn về nhà. Nhưng Quán đàn lệnh đang hành đạo, là người có đức tôi không về được, nếu tôi đi sẽ mưa to gió lớn, như thế sẽ hủy mất cái đức của ông.
Chu Văn Vương tỉnh giấc triệu thái công đến hỏi, ngày hôm đó quả có mưa to gió lớn qua ấp của thái công, Chu Văn Vương bền phong cho thái công làm Đại Tư Mã.
Những điều trên đây nhằm thần thánh hóa một vị hiền thần có tiếng ở những năm đàu thời Chu.
· Ảnh hưởng của thần thoại đối với việc đoán giải các giấc mơ
Thời thượng cổ, việc đoán giải các giấc mơ nằm trong phạm vi bói toán. Hai việc này có mối liên hệ mật thiết. Các thầy đoán giải các giấc mơ không chỉ phát triển thần thoại mà còn tham gia kể chuyện rong.
Thần thoại cổ Trung Hoa hầu hết có nội dung nói về giới tự nhiên. Nó là sản phẩm của trí tưởng tượng của người xưa với mong muốn chi phối thiên nhiên.
Người thời bấy giờ sùng bái trời đất, mặt trời, trăng sao, gió mưa, sấm sét… nên cũng gán cho những giấc mơ có các hiện tượng này điều lành, điều dữ.
– Nằm mơ thấy lên trời, đi vào mặt trăng: đại quý
– Nằm mơ thấy trời quang mây tạnh: buồn lo.
– Nằm mơ thấy ánh sáng mặt trời chiếu: khỏi bệnh
– Nằm mơ thấy trời mở cửa: được quan tước.
– Nằm mơ thấy bay lên trời: có địa vị cao sang.
– Nằm mơ thấy trời lở: lo lắng cho cha mẹ.
– Nằm mơ thấy trời đỏ: điềm lành.
– Nằm mơ thấy trời đen: điềm dữ.
– Nằm mơ thấy trời sáng dần: điềm lành, sống lâu.
– Nằm mơ thấy mặt trời, mặt trăng rơi: cha mẹ chết
– Nằm mơ thấy nuốt mặt trăng, mặt trời: sinh quý tử.
– Nằm mơ thấy mặt trời, mặt trăng khuyết: phải đấu tranh.
– Nằm mơ thấy bị sét đánh: đại quý, đại cát.
– Nằm mơ thấy gió thổi: ốm đau.
– Nằm mơ thấy mây nổi bốn bề: giao lưu tiếp xúc.
– Nằm mơ thấy tuyết rơi: hết lo buồn, tốt.
– Nằm mơ thấy sấm sét: có tước quan.
– Nằm mơ thấy cầu vòng mọc: có chuyện binh đao.
– Nằm mơ thấy đang đi gặp mưa: được ăn uống.
– Nằm mơ thấy sương rơi: việc chẳng lành.
– Nằm mơ thấy gió mưa: có người chết.
– Nằm mơ thấy mây đen kín trời: có dịch bệnh.
– Nằm mơ thấy mây ngũ sắc: đại cát.
– Nằm mơ thấy đất nức: làm quan to.
– Nằm mơ thấy động đất: thăng chức.
– Nằm mơ thấy đá lớn: thêm của cải.
– Nằm mơ thấy dời đá vào nhà: đại cát.
– Nằm mơ thấy lên núi đá: đại cát.
– Nằm mơ thấy gánh đất vào nhà: mọi chuyện đều tốt.
– Nằm mơ thấy núi lở, nước lớn: rất dữ.
– Nằm mơ thấy đập tau vào núi: sinh quý tử.
– Nằm mơ thấy núi rừng có huyệt: điềm lành.
Việc đoán giải các giấc mơ này phản ánh quan niệm sùng bái thần linh, giới tự nhiên của người xưa. Theo sự phát triển của xã hội, hoạt động của thần dần mang tính xã hội và có liên quan đến con người đương thời. Những truyền thuyết về các giấc mơ như câu chuyện của Ân Cao Tông Vũ Đinh được biên soạn thành một số lời đoán giải mơ. Ví dụ:
– Nằm mơ thấy thiên tử: đại quý, đại cát.
– Nằm mơ thấy thái tử: đại cát, có tước vương triều.
– Nằm mơ thấy nói chuyện với người xưa: thông minh.
– Nằm mơ thấy đối diện với quan trưởng sử: điềm lành.
– Nằm mơ thấy vương nữ: đại cát lợi.
– Nằm mơ thấy gần quan lớn: đại cát.
– Nằm mơ thấy quan cần gặp: đại cát.
– Nằm mơ thấy gặp thần nhân, đại cát.
– Nằm mơ thấy người gọi minh là quan: lành.
– Nằm mơ thấy sứ quân vào cửa: điềm rất tốt.
– Nằm mơ thấy vái đại quan: điềm quý, lành, có lợi.
– Nằm mơ thấy tiên thánh đến nhà: điềm đại cát.
– Nằm mơ thấy đọc văn xin tha tội: mọi sự đều tốt.
Những lời đoán giải mơ này đều có cơ sở từ truyền thuyết, thần thoại. Các thầy đoán giải các giấc mơ đời xưa đều thuộc các điển cổ thần thoại, thông hiểu sách vở, dựa vào nội dung thần thoại để đoán giải các giấc mơ. Về mặt nào đó, họ là những người truyền thụ, kế thừa thần thoại.
Leave a Reply