I – PHẦN BẮT BUỘC
Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
II- PHẦN TỰ CHỌN
Phân tích số phận và tâm trạng nhân vật người đàn bà là người vợ được nhặt trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân.
‘ GỢI Ý LÀM BÀI
I – PHẦN BẮT BUỘC
Câu 1. Các ý chính:
1. Trước hết, cần giới thiệu sơ qua về tác giả Quang Dũng, đoàn binh Tây Tiến và con đường hành quân (ở phần đầu bài thơ).
2. Bình giảng đoạn thơ:
a) Ngoại cảnh người lính Tây Tiến:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Vẻ đẹp khác thường: “không mọc tóc”, “xanh màu lá”.
Nghĩa thực: Do sốt rét mà chiến sĩ bị rụng hết tóc, da dẻ xanh xao. Màu sắc lãng mạn: một vẻ độc đáo: một hình thức ngụy trang trong chiến đấu.
Cụm từ “dữ oai hùm” như một lời nhận xét chung, cái đẹp của dũng khí, nét oai phong của người chiến binh.
b) Chất mộng mơ của người lính:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
“Mắt trừng gửi mộng”: đây là mộng lập chiến công.
“Đêm mơ”là mộng quê hương, là tình cảm riêng tư.
Cái chung và cái riêng không mâu thuẫn nhau, tạo nên vẻ đẹp tinh thần của người chiến binh.
Đây cũng là nét đặc sắc riêng của Quang Dũng, thể hiện cái hào hoa, lãng mạn của các chàng trai Hà Nội.
c) Phẩm chất của người lính Tây Tiến:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Mất mát, đau thương là một hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh.
Người chiến binh Tây Tiến không ngại nhìn thẳng vào hiện thực đó. Họ có lí tưởng cao đẹp “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, dám xả thân vì Tổ quốc “Chẳng tiếc đời xanh”.
Chất bi tráng trong thơ Tây Tiến nặng ở hai câu cuối:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành” .
Người lính Tây Tiến bất tử, anh về với đất mẹ để lại niềm thương cảm và sự ngưỡng mộ của bao thế hệ.
Họ xứng đáng được sông núi tiễn đưa về cõi vĩnh hằng trong âm điệu bi thương nhưng rất hào hùng:
“Sông Mã gầm lên khúc độc hành” .
II – PHẦN TỰ CHỌN
1) Số phận: Người vợ trong truyện của Kim Lân không có tên, không được đặt tên, Đề cập đến người đàn bà “vợ nhặt” này, nhà văn khi thi gọi là “người đàn bà” khi là “thị” hoặc “con dâu”. Chị không tên tuổikhông quê quán, không nhan sắc, không chốn nương thân, sống vật vờ của kiếp người “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. Cái đói hành hạ chị đến mức chỉ cách vài hôm Tràng không nhận ra con người ấy nữa: “Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái mặt lưỡi cày xám xịt chỉ thấy còn hai con mắt”. Cái đói đã biến chị thành một kẻ táo tợn, trơ tráo và liều lĩnh. Chị lấy chồng chỉ vì mấy câu nói tầm phào và bốn chiếc bánh đúc.
2) Tâm trạng: Nhà văn không trực tiếp miêu tả tâm trạng nhân vật ‘Vợ nhặt” mà chỉ dùng vài chi tiết rời rạc bề ngoài. Nhưng đọc kĩ ta thấy nhà văn đã đi sâu vào tâm hồn của người phụ nữ này để làm rõ tâm trạng không ngừng thay đổi của người đàn bà.
– Người đàn bà “vợ nhặt” theo không Tràng trước hết là tìm một chỗ an toàn cho qua ngày đói khát. Lấy chồng, theo chồng về nhà, chị cũng e thẹn, ngập ngừng như bao người khác.
– Tâm trạng người đàn bà xót xa, buồn khi thấy tình cảnh nhà chồng. Diễn biến tâm trạng qua các chi tiết có vẻ thoáng qua như: tiếng thở dài cố nén, cái nét mặt bần thần khi chị ngồi mớm ở mép giường, hai con mắt tối lại khi ăn bát cám. Qua đó ta thấy tâm trạng xót xa, tủi nhục của người “vợ nhặt” trong hoàn cảnh thương tâm, hạnh phúc xen lẫn tủi buồn.
– Từ khi có gia đình, tâm tính người đàn bà cũng thay đổi. Cô gái cong cớn trước đây đã trở nên ngượng nghịu khép nép. Cuộc sống gia đình, chức năng làm vợ khiến chị trở nên người đàn bà hiền hậu, đúng mực. Chị đã có tình yêu, có chỗ dựa, chị đang quên dần nỗi buồn để hướng về sự sống.
Leave a Reply