“Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở nỗi gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí.” (Lét-xinh)
Từ câu nói trên, anh (chị) suy nghĩ gì về những thành công và thất bại trong hành trình tìm kiếm những giá trị cao đẹp của đời sống con người?
THÂN BÀI
A. GIẢI THÍCH Ý KIẾN CỦA LÉT-XINH
1. Ý kiến đầy đủ của Lét- xinh về giá trị con người: “Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở nỗi gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí. Bởi chẳng phải sự sở hữu, mà chính sự tìm kiếm chân lí mới tiềm ẩn bước tiến không ngừng của việc hoàn thiện. Sự sở hữu khiến người ta thành thản nhiên, lười biếng, kiêu ngạo…”
– Giá trị con người, theo Lét-xinh, không phải ở chân lí người đó sở hữu, tức là không phải ở những cái đã có sẵn, hiển nhiên; hoặc cho rằng mình sở hữu, tức là những ngộ nhận, lầm lẫn do thói kiêu ngạo. Mà điều làm nên ý nghĩa và giá trị đời sống cá nhân nói riêng, cũng như hành trình chung của nhân loại trong lịch sử sinh tồn là nỗi gian khó chân thành, tức là những trải nghiệm trong thử thách, khó khăn thực sự để đạt đến chân lí. Chân lí ở đây là những điều có giá trị cao nhất, có ý nghĩa chân thực nhất trong đời sống: sự hiểu biết, niềm vui sáng tạo, niềm tin, hạnh phúc đích thực trong tình yêu, đức hi sinh, lòng vị tha.
2. Đây là hành trình hướng tới sự hoàn thiện, hướng tới chân, thiện, mĩ. Cũng có thể hiểu đây là hành trình sáng tạo những giá trị nhằm mục đích nhân văn cao quý: sáng tạo khoa học, sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo văn học…
3. Trong hành trình ấy, không phải lúc nào con người cũng đạt dược thành công, cũng đến được cái đích cần đến, nhưng niềm khao khát hướng thiện, sự can đảm đối mặt với thách thức, nỗi đau đớn trong hi sinh, mất mát… đều thể hiện giá trị đích thực của con người.
4. Hơn nữa, hành trình hướng tới sự hoàn thiện ấy không bao giờ dừng lại. Vì dừng lại là dấu hiệu sự bằng lòng, thỏa mãn với quá trình nhận thức của mình, đồng nghĩa với sự trì trệ, lười biếng, tự mãn, kiêu ngạo… Sách Đại học từng viết: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện” (Con đường học thức lớn là ở chỗ làm sáng cái đức sáng của mình, ở chỗ đổi mới, ở chỗ dừng lại nơi chí thiện).
Nhưng chữ “chỉ” (dừng lại) ở đây mang ý nghĩa sâu xa: dừng để tự soi rọi, phản tỉnh, để rồi bước tiếp trên con đường học tập, tu dưỡng.
Cũng cần thấy rõ sự khác biệt giữa niềm khao khát chân lí – những giá trị tốt đẹp mà Lét-xinh nói ở đây – với tham vọng quá mức và mù quáng, vốn là nguồn gốc của cái ác: tham lam quyền lực, tiền tài, hư danh.
B. BÀN LUẬN
1. Trong thực tế đời sống, hành trình tìm kiếm chân lí có khi thành công, có lúc thất bại. Các nhà khoa học, các nghệ sĩ, những chiến sĩ đấu tranh vì tự do, hạnh phúc con người luôn luôn đối mặt với những thách thức, những thất bại, hi sinh, mất mát trước khi đạt đến thành công. G. Ga-li-lê nêu gương hi sinh vì khoa học, vì chân lí khi đối đầu với nhà thờ Trung cổ khắc nghiệt để bảo vệ chân lí khoa học: Trái Đất quay chung quanh mặt trời. Ma-ri Quy-ri âm thầm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tồì tàn để phát minh ra nguyên tố phóng xạ. Lu-i Pát-xtơ chịu nguy hiểm về sức khỏe, tính mạng dể phát hiện các vắc-xin chống những bệnh hiểm nghèo. Cuối đời nhà Thương (Trung Hoa), Văn Vương đã diễn kinh Chu Dịch suốt bảy năm ròng rã khi bị giam ở thành Dữu Lí của Trụ Vương. Tư Mã Thiên đời Hán đau đớn nhục nhã sau khi bị hoạn hình, vừa đổ lệ vừa viết bộ Sử kí để ngàn đời sau còn ca ngợi. Nhà danh họa lớn phương Tây của thế kỉ XIX là Van-gốc đã phải trải qua sự nghèo khổ và cô đơn suốt đời nhưng vẫn không từ bỏ con đường nghệ thuật đã chọn. Còn nữa, còn biết bao chiến sĩ vô danh đã xả thân vì hạnh phúc của dân tộc, tự do của loài người.
2. Trong văn học, nhiều tác phẩm gợi bao liên tưởng, suy ngẫm về bi kịch và sức mạnh tinh thần của con người trên con đường tìm kiếm cái đẹp, thực hiện khát vọng qua các hình tượng nghệ thuật: hành trình trên biển cả của các thủy thủ trong bài thơ Đêm đại dương của V. Huy-gô, hành trình đầy bi tráng của ông lão đánh cá trong tiểu
thuyết Ông già và biển cả của ơ. Hêminguê, con đường gian nan trong đời sống và trong nghề văn của Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao…
3. Trong đời sống đương đại, hành trình tìm kiếm chân lí của con người có thể thất bại nhất thời nhưng không thể bị đánh gục và ý chí, quyết tâm hướng tới cái đẹp, cái thiện không thể bị khuất phục: cuộc đấu tranh của nhân dân Cu-ba giành độc lập và chống cấm vận dai dẳng của Mĩ trong nửa thế kỉ qua, công cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa À-pac-thai của nhân dân Nam Phi…
4. Trải nghiệm, cảm xúc của bản thân: Thật sự xúc động trước những hình ảnh bi thương và cuộc đấu tranh kiên trì đòi công lí cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam suốt thời gian qua.
Leave a Reply