Hãy phân tích đoạn văn sau đây trong bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi:
“Trọn hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Chẳng những mưu kế từ diệu,
Cũng là chưa thấy xưa nay”.
YÊU CẦU
– Thể loại
Kiểu bài phân tích tác phẩm, cụ thể là phân tích đoạn trích trong một tác phẩm.
– Nội dung
• Quá trình phản công giặc với những chiến thắng vang dội.
• Hình ảnh bọn giặc thất bại thảm hại, nhục nhã.
GỢI Ý
Có thể phân tích đoạn văn theo hai yêu cầu về nội dung như sau:
A. QUÁ TRÌNH PHẢN CÔNG GIẶC VỚI NHỮNG CHIẾN THẮNG VANG DỘI
1. Quá trình phản công gồm hai đợt: (1) từ Thanh Nghệ đánh ra, bao vây Đông Quan, (2) tiêu diệt viện quân Liễu Thăng, Mộc Thạnh và Vương Thông phải cầu hòa.
– Nối tiếp giai đoạn đầu khó khăn với giai đoạn phản công thắng lợi là hai câu có ý nghĩa bản lề chuyển tiếp:
Trọn hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Một lần nữa Nguyễn Trãi nhắc lại nguyên lí nhân nghĩa đã nêu ở câu mở đầu bài Cáo: lấy chí nhân (của ta) để thay cường bạo (của địch).
– Sau khi nhắc lại nguyên lí nhân nghĩa là cả một đoạn văn dài khắc họa quá trình phản công thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Có thể nói sau bao suy tư, chiêm nghiệm, bao đớn đau, căm giận, bao lo lắng quyết tâm, đến lúc này, tâm trạng tác giả mới thực sự hả hê, sảng khoái.
– Cảm hứng anh hùng ca rần rật bốc cao trong đoạn văn miêu tả chiến thắng thần tốc của nhân dân Đại Việt. Từ hình tượng đến ngôn ngữ, từ màu sắc đến âm thanh, nhịp điệu, tất cả đều mang đặc điểm của bút pháp anh hùng ca. Bao trùm đoạn văn là những hình tượng phong phú, đa dạng, đo bằng sự lớn rộng, kì vĩ của thiên nhiên. Chiến thắng của ta sấm vang chớp giật, trúc chẻ tro bay…
2. Trong đợt phản công thứ nhất ta sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh, còn giặc mất vía, nín thở, ta hăng lại càng hăng, còn giặc thì trí cùng lực kiệt, ta mưu phạt tâm công, còn giặcthì thay lòng đổi dạ.
3. Đợt phản công thứ hai càng tỏ rõ thế tất thắng của nghĩa quân. Đoạn văn diễn tả những chiến thắng lừng lẫy, liên tục với khí thế vũ bão của nghĩa quân: Bổ Đằng, Trà Lăn, Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động… Chiến thắng ngày càng dồn dập, vang dội: Chi Lăng, Cần Trạm, Đan Xá.
– Chiến thắng của ta là quét sạch không kình ngạc, đánh tan tác chim muông, trút sạch lá khô, phá toang đê vỡ. Sức mạnh của ta đá núi cũng mòn, nước sông phải cạn. Khung cảnh chiến trường là sắc phong vân phải đổi, ánh nhật nguyệt phải mờ. Về mặt ngôn ngữ, các động từ mạnh liên kết với nhau thành những chuyển rung dồn dập, dữ dội. Các tính từ chỉ mức độ ở điểm tối đa tạo thành hai mảng trắng, đen đối lập, thể hiện cái thế, cái đà chiến thắng của ta và cái thế, cái đà thất bại của địch. Câu văn khi dài, khi ngắn, biến hóa linh hoạt trên cái nền chung là nhạc điệu dồn dập, sảng khoái, bay bổng. Âm thanh giòn giã, hào hùng, như sóng trào, bão cuốn:
Ngày mười tám…
Ngày hai mươi…
Ngày hai lăm…
Ngày hai tám…
– Đó thật sự là nhịp điệu của triều dâng, sóng dậy, hết lớp này đến lớp khác. Nhịp mạnh, dồn dập là xương sống của đoạn văn:
Gươm mài đá/ đá núi cũng mòn,
Voi uống nước/ nước sông phải cạn.
Đánh một trận/ sạch không kình ngạc,
Đánh hai trận/ tan tác chim muông.
– Sự hòa quyện giữa hình tượng, âm thanh, nhạc điệu của những đoạn văn trên đã tạo nên một bút pháp anh hùng ca có tác dụng miêu tả một cách hào hùng quá trình tổng phản công thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
B. HÌNH ẢNH BỌN GIẶC THẤT BẠI THẢM HẠI, NHỤC NHÃ
1. Giặc thất bại thảm hại: sạch không kình ngạc, tan tác chim muông, sạch lá khô, toang đê vỡ…
– Giặc tử vong nhiều không đếm xuể: máu chảy thành sông, thây chất đầy nội, thây chất đầy đường, máu trôi đỏ nước…
– Tướng giặc chạy trốn thục mạng:
Trân Trí, Sơn Thọ nghe hai mà mất vía,
Lí An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân.
hoặc chúng đã phải bêu đầu, cũng đành bỏ mạng hoặc lẽ gối trói tay, hoặckhiếp vía mà vỡ mật, xéo lên nhau để chạy thoát thân, hoặcnhư hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng… Tất cả đã trở thành bức tranh ngànđời bêu riếu bộ mặt đê hèn của bọn xâm lược.
2. Đoạn văn còn thể hiện thái độ sảng khoái đến cao độ khi tường thuật những chiến công lừng lẫy của ta, khi miệt thị giặc, kể cả bọn vua quan nhà Minh: thằng nhãi con Tuyên Đức, đồ nhút nhát Thạnh, Thăng…
3. Với tinh thần nhân đạo (thể lòng trải ta mở đường hiếu sinh) và duy trì hòa bình lâu dài (để nhân dân nghỉ sức), sau khi uy thế quân sự của giặc bị đập tan (họ đã tham sống sợ chết, mà hòa hiếu thực lòng), ta đã tha chết và cho chúng về nước. Tiết tấu từng vế câu biền ngẫu toát lên tinh thần đại nghĩa, chí nhân, tầm nhìn chính trị và phong thái đường hoàng của người chiến thắng.
– Câu văn cuối đoạn đã thể hiện niềm tự hào về chiến thuật, chiến lược phản công đưa đến chiến thắng vẻ vang của ta:
Chẳng những mưu kế kì diệu,
Cũng là chưa thấy xưa nay.
Leave a Reply