“Ông (Thạch Lam) viết nhiều về cuộc sống vất vả, cơ cực, bế tắc của những người dân nghèo ở phố huyện… với một niềm cảm thương thấm thía… Nhiều truyện của ông mở ra một thế giới thầm kín bên trong của con người với biết bao cảm tưởng, cảm giác mơ hồ, mong manh, tinh tế…”
Phân tích truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam để chứng minh nhận định trên.
DÀN Ý
I. MỞ BÀI
– Như một nhà nghiên cứu văn học nhận xét, đặc điểm chủ yếu trong các sáng tác của Thạch Lam là yếu tố hiện thực xen lẫn yếu tố lãng mạn toát lên tình cảm nhân ái sâu sắc. Tất cả thể hiện qua tiếng nói nội tâm của nhân vật trong truyện ngắn của ông.
– Dẫn đề và chuyển mạch.
II. THÂN BÀI
A. THẠCH LAM VIẾT NHIỀU VỀ CUỘCSỐNG VẤT VẢ, CƠ CỰC, BẾ TẮC CỦA NGƯỜI DÂN NGHÈO KHỔỞ PHỐ HUYỆN… VỚI MỘT NIỀM THƯƠNG CẢM THẤM THÍA
1. Cuộc sống vất vả, cơ cực, bế tắc của người dân nghèo ở phố huyện
– Truyện mở đầu bằng những câu văn êm dịu, với những âm thanh và hình ảnh báo hiệu một ngày tàn: Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ… theo gió nhẹ đưa vào. Thì ra, cái rực rỡ huy hoàng của một ngày đã qua rồi, buổi chiều tà đang xuống.
Giờ này chợ cũng đã tàn, cái đông vui không còn nữa, chỉ còn lại sự trống vắng, quạnh hiu: Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Cảnh ngày tàn gợi cho người đọc “cái buồn của buổi chiều quê”.
– Bên cạnh cảnh ngày tàn và chợ tàn là những kiếp người tàn.
Đó là cảnh đời tẻ nhạt ở một phố huyện nhỏ vào lúc chiều tối. Nhân vật thì bé nhỏ, cử động lặng lẽ, nói năng ít lời, thấp giọng như hòa lẫn tiếng thở dài.
· Mẹ con chị Tí hàng nước chả kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng, từ chập tối cho đến đêm.
· Vợ chồng bác xẩm ngồi bên manh chiếu, góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng.
· Thấp thoáng xa xa là những đứa trẻ nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ một thứ gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại…
· Riêng chị em Liên, An cũng âm thầm, lặng lẽ trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, dù rằng ngày phiên mà bán hàng củng chẳng ăn thua gì.
– Cảnh và người cứ chìm vào bóng tối lan rộng và đậm đặc: Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy hóng tối – Chiếc chõng tre dưới gốc cây bàng với cái tối của quang cảnh phố chung quanh – Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa – Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ. Trong thế giới đầy bóng tối ấy, ánh sáng rất hiếm hoi và đơn độc. Các nhà đã đóng cửa im ỉm, trừ một vài cửa hàng còn thức, nhưng cửa chỉ để hé ra một khe ánh sáng – về phía huyện một chấm lửa khác nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi rồi lại hiện ra – thưa thớt từng hột ánh sáng lọt qua phên nứa. Các từ ngữ “khe” ánh sáng, “chấm” lửa, “hột” ánh sáng đối lập với bóng đêm tràn lan, như thể hiện tình cảm yêu thương của tác giả, giúp ông lắng nghe được khát vọng bé nhỏ của những kiếp người nhỏ bé.
Bằng năng lực quan sát tinh tế, với niềm cảm thương thấm thía, Thạch Lam đã làm người đọc xúc động khi miêu tả cuộc sống vất vả, cơ cực, bế tắc của những người dân nghèo ở một phố huyện buồn hiu, tăm tối.
2. Niềm thương cảm thấm thía.
Niềm cảm thương thấm thía thể hiện sâu sắc qua nhân vật trung tâm của truyện Hai đứa trẻ. Đó là Liên.
– Đối với mấy đứa trẻ nghèo ở phố huyện, Liên trông thấy động lòng thương, nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó.
– Liên còn thương cảm chính mình. Liên buồn cho cảnh đời hiện tại. Đêm nào, hai chị em Liên cũng ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc cây bàng với cái tối của quang cảnh phố chung quanh.
Nếu không hóa thân vào nhân vật, không có lòng thương cảm thấm thía, nhà văn khó có thể diễn đạt tâm tình nhân vật tinh tế như vậy. Cũng có thể đoạn truyện là một cảnh đời của chính nhà văn như trong hồi kí của chị ruột Thạch Lam: “… truyện em tôi tả hai chị em thức đợi chuyến tàu đêm qua rồi mới đi ngủ. Năm đó tôi mới chín tuổi, em tôi lên tám mà mẹ tôi đã giao cho chị em tôi coi hàng (…) Tối đến, hai chị em phải ngủ lại để trông hàng” (Nguyễn Thị Thế).
– Càng buồn thấm thìa hơn khi Liên hồi tưởng quá khứ: Liên nhớ lại khi ở Hà Nội chị được hưởng những thức quà ngon, lạ được đi chơi bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ (…), Hà Nội nhiều đèn quá!
B. TRUYỆN CỦA THẠCH LAM MỞ RA MỘT THẾ GIỚI THẦM KÍN… MƠ HỔ, MONG MANH, TINH TẾ…
1. Tiếng nói nội tâm của nhân vật
Vào truyện, nhân vật xuất hiện với những xúc cảm lãng mạn. Liên cảm thấy buồn man mác không chỉ do bức tranh nhân thế đầy cảm động, mà dường như còn có cảm giác mơ hồ về cảnh sắc thiên nhiên: “Chiều, chiều rồi (…). Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn.
Khi trời đã vào đêm, hai chị em như cảm nhận được cái vô biên của không gian: An và Liên lặng ngước mắt nhìn lên các vìsao (…). Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ…
2. Cảm xúc tinh tế của nhân vật thể hiện một tình yêu quê hương đằm thắm, thiết tha
– Đó là những rung cảm về một chiều êm ả như ru với bao âm thanh, đường nét, sắc màu thân quen của quê hương thôn dã. Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời. Một buổi chiều quê văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.
– Đó là những ấn tượng khó phai mờ về cảnh quan ban đêm trên quê hương nước Việt: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát (…). Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây.”
– Một thứ tình quê lan tỏa trên cảnh phố chợ buồn. Phiên chợ đã vãn từ lâu, trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía, nhưng nhà văn đã ghi lại những cảm nhận tinh tế, những liên tưởng sâu sắc, đầy cảm động: Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này.
Đúng như lời nhận xét của Hoài Thanh, thế giới nội tâm của nhân vật đã tạo cho truyện “một thứ nhân văn sống cảm nhiều hơn là suy nghĩ”.
3. Ước mơ thầm kín của nhân vật
– Cảnh chuyến tàu đêm qua phố huyện, hoạt động cuối cùng của đêm khuya, mang lại một thoáng rộn rã, làm cảnh phố huyện thay đổi. Bóng tối tạm nhường chỗ cho ánh đèn sáng trưng. Ánh sáng, vẻ tươi vui, giàu sang, những hoạt động ồn ào vụt qua, chỉ để lại cho người dân phố huyện một chút dư âm, dư vị buồn.
– Khi hình ảnh đoàn tàu chỉ còn lại cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng thì ước mơ của Liên vẫn kéo dài, chập chờn chưa định hình hẳn. Ước mơ đó của hai chị em cũng như những người dân phố huyện là được thay đổi cuộc đời, được sống trong một cảnh đời khác tốt đẹp hơn.
III. KẾT BÀI
– Những sáng tác của Thạch Lam, đặc biệt là truyện ngắn Hai đứa trẻ không hấp dẫn người đọc bằng những tính cách sắc nét của nhân vật, những tình huống li kì. Truyện đã lôi cuốn ta bằng những cảm xúc tinh tế của một tâm hồn dễ rung động, nhất là với tình cảm nhân ái thấm vào từng trang truyện.
– Thạch Lam từng quan niệm văn chương phải lành mạnh, nhân ái. Hai đứa trẻ quả đã đạt được mục đích cao đẹp đó của văn chương.
Leave a Reply